Thu phí vỉa hè, lòng đường sao cho hiệu quả
Thu phí vỉa hè, lòng đường giúp vỉa hè thông thoáng là viễn cảnh đáng mơ ước của một đô thị hiện đại song thực hiện như thế nào cho minh bạch, hiệu quả.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2024, TP. Hồ Chí Minh đã chính thức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè, với mức phí từ 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng. Theo đó, gần 900 tuyến đường được đưa ra để các quận huyện căn cứ và áp dụng mức phí. Toàn bộ số tiền phí thu được sẽ được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đang chuẩn bị trình để thông qua đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024, các tuyến phố đủ điều kiện có thể cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ. Câu chuyện cho thuê sử dụng vỉa hè tiếp tục được cư dân mạng quan tâm, bàn luận, đặc biệt là việc làm thế nào để đảm bảo việc triển khai an toàn, hiệu quả.
Ai cũng biết mục đích chính của vỉa hè là nơi lưu thông cho người đi bộ, nhưng thực trạng lâu nay là người đi bộ đã bị “đuổi” xuống lòng đường. Thậm chí, ngay cả những nơi vỉa hè rộng, việc khai thác sử dụng cho các mục đích khác cũng không có giới hạn, trật tự nào cả.
Thực trạng lấn chiếm vỉa hè ở các thành phố lớn không phải là chuyện mới với cộng đồng mạng, nhưng cũng chưa bao giờ hết nhức nhối. Hậu quả là những hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Những lần ra quân “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ thường kết thúc mà không mang đến bất kỳ hiệu quả lâu dài nào, thậm chí tình trạng lộn xộn tái diễn ngay khi kết thúc chiến dịch.
Thực tế, nhiều năm qua, vỉa hè ở các đô thị lớn luôn nằm trong thế “giằng co”. Một bên là cơ quan chức năng nỗ lực ngăn cấm các hoạt động lấn chiếm, kinh doanh trên vỉa hè mà luật không cho phép. Một bên là người dân, doanh nghiệp bằng mọi cách bám trụ, kiếm sống trên vỉa hè. Đa số họ đều sẵn sàng nộp phí thuê vỉa hè để kinh doanh ổn định. Nhưng do không có cơ chế rõ ràng, Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, vì vậy mà người dân và chính quyền vẫn cứ xoay vần với điệp khúc “phạt - đuổi - tái diễn - lại phạt”.
Cuộc “giằng co” chưa bao giờ có hồi kết đó gây ra những hệ lụy lâu dài và phức tạp, khiến chính quyền các địa phương bối rối, còn một bộ phận người dân thì dần nhờn luật và ngày càng tùy tiện hơn. Và đáng tiếc nhất là nguồn lợi kinh tế chảy vào túi các cá nhân, còn nhà nước thì phải bỏ tiền duy tu, bảo trì, sửa chữa, xây dựng hạ tầng.
Nhìn sang những quốc gia khác, việc thu phí vỉa hè đã được thực hiện từ lâu và khá hiệu quả. Đơn cử như Thái Lan từ năm 2005 đã ban hành bộ quy tắc về quy định và điều kiện bán hàng rong trên hè phố. Theo đó, quầy hàng không được rộng quá 2m2 và cao quá 1,5m; các quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống cho người đi bộ; được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn và phân bổ thời gian bán hàng theo ca ngày, ca đêm. Từ năm 2014, chính quyền Bangkok quyết tâm “dọn sạch” vỉa hè bằng cách phạt nặng xe đậu, đi trên vỉa hè, quầy bán hàng rong lấn chiếm không gian.
Hay như Đài Loan, trên đường phố, trên vỉa hè, người dân kinh doanh trên phần đất theo quy hoạch. Từ ngõ nhỏ, ra đường lớn đều có chỗ phân định để xe máy trên vỉa hè, hoặc dưới lòng dường, ô tô đậu thẳng dưới lòng đường sát vỉa hè và vẫn dành một lối cho người đi bộ.
Từ năm 2000, người đi xe máy ở Đài Loan bắt đầu phải trả phí đỗ xe. Trên các tuyến phố, người đi xe máy chỉ được đỗ xe có vạch sơn quy định. Bên dưới đường tàu điện, đường trên cao được quy hoạch thành đường đi, trồng cây xanh và tạo thành những điểm đỗ xe máy, ô tô. Có những điểm trông xe tự động, ra vào bãi chỉ quẹt thẻ.
Có thể nói, một bộ mặt đô thị với vỉa hè thông thoáng, hoạt động kinh doanh cơ bản rút gọn vào trong nhà chắc chắn là viễn cảnh đáng mơ ước của một đô thị hiện đại. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, để hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu về trật tự đô thị, việc tổ chức quy hoạch lại một phần lòng đường, vỉa hè bằng phương án cho thu phí là giải pháp cần thiết, phù hợp, ít nhất là trong ngắn và trung hạn.
Chủ trương phù hợp nhưng vấn đề là việc tổ chức thực hiện cho thuê thế nào, mức thu, minh bạch nguồn thu và có đảm bảo giám sát người thuê tuân thủ quy định hay không. Tất cả đều rất cần quy định chặt chẽ về thực hiện và giám sát, không để kẽ hở phát sinh tiêu cực. Để tránh trục lợi, mức giá cho thuê vỉa hè cần được đấu thầu công khai, minh bạch, quản lý bằng số hóa và mọi người có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng. Nguồn thu từ phí vỉa hè cũng phải được quản lý chặt chẽ, chi dùng hợp lý cho việc tôn tạo lại lòng đường, vỉa hè.
Bên cạnh đó cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, làm sao phải hài hòa lợi ích giữa các bên gồm nhà nước, người chủ nhà liền với vỉa hè và người thuê. Việc tính phí lòng đường, vỉa hè chỉ có thể thành công nếu như có sự đồng thuận giữa các bên liên quan, và được sự ủng hộ, giám sát của toàn thể người dân.
Kỳ vọng của người dân đó là việc thu phí sử dụng vỉa hè sẽ giúp chấn chỉnh, lập lại trật tự, văn minh đô thị vốn đang là bài toán khó với nhiều thành phố lớn. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng hết sức quan trọng để người dân đồng tình, ủng hộ và thực hiện đúng theo quy định, sớm đưa việc kinh doanh tại các vỉa hè vào nề nếp, đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-phi-via-he-long-duong-sao-cho-hieu-qua-297719.html