Thủ phủ sản xuất điện tử của thế giới, doanh nghiệp Việt làm gì để hưởng lợi?
Việc nâng cao năng lực sẽ giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện, điện tử của các 'ông lớn' đa quốc gia. Điều này sẽ đem tới rất nhiều cơ hội bởi Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu điện tử của thế giới.
Theo The Hindu, Việt Nam là một đối thủ lớn của Ấn Độ khi trở thành nước xuất khẩu smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, vượt qua cả Hàn Quốc – một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu của châu Á.
Việt Nam đang là trung tâm sản xuất của thế giới
Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cũng đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành điện tử và linh kiện. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Thời gian qua, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng.
Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm.
Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam.
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế, Tổng cục Thống kê nhìn nhận, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam.
Tính cách vào chuỗi ông lớn
Theo bà Hương, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chắc chắn con đường còn dài để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple - vốn được đánh giá là tân tiến, hiện đại trên thế giới.
Nguyên nhân một phần là do các tập đoàn đã kéo theo một loạt chuỗi cung ứng đi theo, cũng như để trở thành mắt xích trong chuỗi thì doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy. Có thể nói, cơ hội là có nhưng nắm bắt được hay không lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi doanh nghiệp.
Bà Hương đánh giá, hiện nay, nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao làm việc trong ngành điện tử vẫn đang là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải. Điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng kém so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hay với Samsung, qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 là doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cam kết Samsung sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cơ hội tham gia vào mạng cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và được đào tạo tạo bài bản.
Để vào được chuỗi sản xuất của các “ông lớn” rõ ràng cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. “Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Tổng cục Thống kê khuyến nghị.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT FPT, muốn đất nước hùng cường, muốn quốc gia có nội lực, các doanh nghiệp Việt cần nỗ lực cao độ, đầu tư nâng cao năng lực về công nghệ, về quản trị DN, phát triển sản phẩm có chất lượng, xây dựng thương hiệu tầm quốc tế, phát triển thị trường, thậm chí tiến ra nước ngoài.