'Thủ phủ vải thiều' miền Bắc giảm 50% sản lượng

Sau 4 năm được mùa liên tiếp, vụ vải thiều năm nay tại Bắc Giang mất mùa lớn. Sản lượng cả năm dự báo sụt giảm 50% so với năm 2023, chỉ đạt trên dưới 100.000 tấn...

Vải thiều tại Bắc Giang, Hải Dương có nguy cơ mất mùa

Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết theo quy luật "một năm ăn quả, một năm trả cành", sau khi được mùa 3 - 4 năm, sức khỏe cây trồng sẽ kém đi, trong khi vải thiều Bắc Giang đã liên tiếp được mùa từ năm 2020 đến nay.

Cùng với đó, mùa đông năm rét muộn, nhiệt độ trung bình của mùa đông cũng cao hơn những năm khác khoảng 1,5 độ C, trong khi cây vải cần rét sớm thì mới phân hóa được mầm hoa. Do đó, diện tích cả vải thiều sớm, vải thiều chính vụ năm nay chỉ ra hoa khoảng 14.000 - 14.500 ha trên tổng diện tích 29.000 ha vải của Bắc Giang.

Đặc biệt, theo phản ánh của nhiều hộ trồng vải ở Lục Ngạn, năm nay diện tích trồng vải thiều chính vụ bị ảnh hưởng nặng nhất, hầu hết không ra hoa. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang đã đưa ra lý giải, do vải chính vụ đòi hỏi tiêu chuẩn của thời tiết rất cao, mùa đông phải đủ lạnh và lạnh phải đúng thời điểm mới phân hóa được mầm hoa.

Với nhân định sản lượng vải thiều năm nay sụt giảm mạnh, dự báo giá bán sẽ cao hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo duy trì tốt các mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói, đúng quy chuẩn để xuất khẩu. Cố gắng dù sản lượng sụt giảm sâu nhưng thu nhập, đời sống của người dân trồng vải không bị ảnh hưởng quá nhiều. Sở cũng thường xuyên động viên, khuyến khích các hộ nông dân cần tiếp tục kiên trì đốn tỉa, chăm sóc diện tích vải không có hoa để đảm bảo năng suất cho vụ sau.

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, mặc dù năm nay sản lượng có thể ít nhưng Bắc Giang vẫn đảm bảo tất cả quả vải xuất khẩu đều đạt chất lượng. Thực tế, lượng vải xuất khẩu sẽ giảm mạnh đối với thị trường Trung Quốc do quốc gia này thu mua tới 90% sản lượng xuất khẩu, các nước khác số lượng xuất khẩu ít nên vẫn có thể đảm bảo sản lượng không bị giảm quá nhiều.

Trước đó, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha, sản lượng trên 200.000 tấn. Doanh thu từ vải thiều ước đạt trên 4.658 tỉ đồng doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỉ đồng.

Cũng do ảnh hưởng của thời tiết rét muộn và không đủ độ lạnh nên tại vùng vải thiều huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) năm nay cũng diễn ra tình trạng cây vải ra lộc sớm, lộc ra cùng hoa, dự báo năng suất vải đậu trái giảm khoảng một nửa so với năm ngoái.

Trước tình trạng nêu trên, từ đầu năm nông dân vùng vải Thanh Hà đã rất chủ động khắc phục nguy cơ mất mùa vải sớm, cắt tỉa các cành ra lộc, cành trong tán để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa vải, hạn chế tối đa ảnh hưởng khi cây vải ra lộc.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, năm nay tỷ lệ vải ra hoa vẫn đạt thấp hơn năm 2023 khi trà vải sớm đạt khoảng 80%, trà chính vụ chỉ đạt khoảng 30%. Còn khoảng 2 tuần nữa vải Thanh Hà sẽ cho thu hoạch, trà vải cho thu hoạch sớm nhất là u trứng trắng, sau đó đến u trứng gai, u hồng, u thâm, tàu lai. Vải thiều chính vụ cho thu hoạch vào giữa tháng 6 với dự báo sản lượng không đáng kể.

Trước thực tế sản lượng sụt giảm không tránh khỏi, nhiều hộ gia đình trồng vải tại huyện Thanh Hà đang đặt kỳ vọng năm nay vải sớm và vải thiều sẽ bán được với giá cao hơn các năm trước với đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá, do đó các hộ trồng vải đặc biệt kiên trì tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch đã được hướng dẫn, đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã sản phẩm vải quả.

Dự kiến, ngày 09/5/2024 Sở Công Thương tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại và UBND huyện Thanh Hà tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương, kết nối khoảng 50 điểm cầu nước ngoài với khoảng 100 đại biểu, gồm đại diện một số Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến, nhập khẩu nông sản tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, một số nước khu vực Trung Đông, Hoa Kỳ.

Tiếp đến, ngày 20/5 tới, tỉnh sẽ tổ chức lễ mở vườn vải Thanh Hà và cắt băng xuất khẩu vải trong chuyến hàng đầu tiên tại ga Cao Xá, ngay sau khi ga này khai trương tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên tham gia hành trình liên vận quốc tế… nhằm quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu trái vải năm 2024 và các năm tiếp theo.

Năm 2023, sản lượng vải của toàn tỉnh Hải Dương ước đạt 58.000 tấn, trong đó riêng Thanh Hà đạt khoảng 35.500 tấn với doanh thu trên 1.100 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ phụ trợ như đóng gói, vận chuyển mang lại việc làm cho khoảng 1.000 lao động với tổng thu nhập hơn 15 tỷ đồng. Đồng thời, vải thiều Hải Dương đã được bán thành công trên các chuyến bay của các hãng hàng không, các cửa hàng quà lưu niệm tại các sân bay, thị trường cao cấp…

Trương Quốc Cường

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thu-phu-vai-thieu-mien-bac-giam-50-san-luong.htm