Thứ ta cần nhất là sự bình an!
Đến một lúc nào đó, bất cứ ai cũng tự biết cách dưỡng nuôi tâm hồn mình, bằng cách sống với khoảnh khắc hiện tại, lắng lòng lại để nhận ra niềm hạnh phúc chẳng phải tìm kiếm đâu xa, bởi nó có ngay trong khoảnh khắc ta sống với hiện tại
Chiều cuối năm, bạn rủ: "Ra phố ẩm thực nhé?". Hóa ra con đường tôi đang sống, Phan Xích Long đã thành phố ẩm thực. Mỗi lần có dịp đi ngang, bạn đều rủ xuống uống ly cà phê. "Xuống", bởi vì bạn biết tôi ở tầng lầu của chung cư. Con đường ấy chẳng cần khoác lên mình chữ "phố ẩm thực" thì trước nay vẫn tấp nập quán xá, càng đêm khuya càng rực rỡ bởi những ánh đèn không ngủ.
Con đường này cũng vừa đi qua những ngày lễ hội tưng bừng của mùa Noel, giờ đã khoác thêm áo mới chuẩn bị đón xuân về. Cuối năm, vệt nắng trưa bên song cửa trườn qua vội vã, buổi chiều sừng sững đến rất nhanh.
Bạn gọi, khi trời đã ngả chiều. Hai đứa chọn góc "chill" nhất, có hoa lá, "view" nhìn ra con đường thênh thang nhộn nhịp trước mặt, nhâm nhi tách cà phê đen, chậm rãi nhìn chiều trôi. Vẻ như chẳng có gì phải vội vàng, cuống quýt lên như chính mình của vài năm trước. Chúng ta "có tuổi" rồi chăng?
Tôi kể cho bạn nghe, trên con đường này, những buổi sớm mùa đông, khi xe cộ còn chưa tấp nập, tôi thả bộ từ ngã ba, ngay đoạn giao với Phan Đăng Lưu, đến cuối đường Phan Xích Long, bàn chân chạm đất đường Vạn Kiếp là vòng lại. Cả đi và về là gần 3 km cơ đấy! Vừa thể dục vừa tranh thủ ngắm hàng cây ven đường.
Bạn tin không, chỉ cần nhắm mắt lại, tôi cũng biết bàn chân mình đi đến góc phố, gốc cây nào của con đường. Từ nhà, bao nhiêu bước là đến tán me xòe lá mát rượi, từng chiếc lá li ti thỉnh thoảng còn đùa nghịch trên vai, trên tóc. Kế đến là hàng hoàng yến cả năm đứng trầm mình lặng lẽ, chẳng ai để mắt tới. Thế nhưng, đến mùa hoa, khi cái nắng hè oi ả trải vàng khắp các ngả đường, là lúc hoàng yến bung mình khoe sắc. Ôi chao là rực rỡ. Từng chùm hoa lúc lỉu, chen chúc nhau. Cái màu vàng tươi làm bừng sáng cả con đường.
Có cả những gốc cây thành cổ thụ, rễ trồi lên khỏi mặt đất, mỗi lần đi ngang, tôi không nỡ giẫm chân lên. Sợ chẳng may làm đau rễ cây. Cây cũng là sự sống, cũng biết đau. Chú tôi kể một lần ra nước ngoài chứng kiến cảnh một đôi trai gái chở nhau bằng mô tô, chẳng may chiếc xe mất lái, lao thẳng vào gốc cổ thụ. Cảnh sát đến, biết họ là người nước khác đến du lịch nên không nỡ làm khó. Chỉ nói họ hãy đến xin lỗi cái gốc cây kia đi. Tôi tin rằng cây cũng cần được yêu thương, nâng niu, bằng chính nguồn năng lượng an lành. Cây sẽ đón nhận được. Chẳng phải cây tốt tươi, khoe hương sắc là để trả ơn từng giọt nước người gửi trao đấy sao? Vậy nên đừng quên tử tế với một cái cây.
Trong góc quán thơm nức mùi cà phê, chiều đã tàn, bản nhạc xuân cất lên làm lòng ai nấy rạo rực.
Bạn ngồi im nghe tôi kể chuyện, rồi lấy điện thoại khoe mảnh vườn xinh xinh tự tay mình chăm sóc. Nếu như cách đây vài năm, tôi đã thốt ra câu hỏi có phải bạn mua chậu cây về xếp thành vườn không? Nhưng nhìn cách bạn zoom hình, chỉ từng chồi non mới hé từ thân cây hồng thì tôi biết bạn trồng thật.
Chỉ có người trồng cây, nhất là cây trong chậu, trên cao, rễ cây chẳng cách nào chạm được nguồn mạch tươi mát nhiều dưỡng chất từ đất mẹ; khi ấy, người trồng mới có được cảm giác diệu kỳ mỗi lần ngắm một chồi non mới nhú. Như tôi, tôi cũng từng ngỡ ngàng đến cảm động khi một buổi sáng thức giấc chạm mắt phải vệt phớt hồng, là một nụ hoa. Loài hoa giấy quen thuộc này, chẳng phải mình thấy đầy hai ven đường đó sao? Vậy mà sớm ấy, khóe mắt tôi rưng rưng niềm thương cảm. Cảm ơn cây đã vì mình mà nở hoa!
Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian đấy thôi. Cả như bản thân tôi, nếu là trước đây ít khi dành cả buổi chỉ để uống ly cà phê, ngắm những chậu hoa xinh mà chủ quán chăm chút đầu tư trang trí. Tôi sẽ cắm mặt vào laptop, tranh thủ làm cho xong việc gì đó trong buổi cà phê để không phí thời gian và để gặt hái thêm chút thành quả là khoản thu nhập từ công việc đó. Cứ như vậy, đầu tắt mặt tối chẳng biết mùa đã sang chưa, bản thân mình có thật sự ổn không?
"Bạn thì sao, cột sống có đang ổn không?" - đó là câu mà cô cháu gái nói với tôi, đó trở thành "trend" của thế hệ ấy, thay vì hỏi nhau "cuộc sống có ổn không" thì sẽ là "cột sống có ổn không". Là bởi những người trẻ ấy đang gồng gánh trên vai quá nhiều áp lực dẫn đến kiệt quệ sức khỏe lẫn tinh thần. Đó là thế hệ ra trường ở những năm đại dịch; sau đó, liên tiếp những năm kinh tế gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng bởi thời đại của công nghệ lên ngôi, những áp lực ngầm từ sự so sánh đa phần đến từ vật chất, khi mà bất cứ thứ gì lung linh nhất đều được đem khoe mạng xã hội…
Cháu tôi nói bạn của cháu thỉnh thoảng lại nghỉ làm ít hôm để đi thiền hoặc vào rừng để chữa lành. Từ "chữa lành" cháu thốt ra nghe tự nhiên lắm. Thế hệ 8X của tôi có lẽ may mắn hơn khi tuổi thơ không gắn chặt với thiết bị công nghệ. Chúng tôi còn tắm sông, chạy nhảy trên mặt đất, viết những cánh thư tay… Dẫu vậy, ở một độ tuổi nhất định, vẫn bị hướng tâm quá nhiều ra bên ngoài, dẫn đến nội tâm đầy những chông chênh, bất ổn.
Tôi nhớ tới nội dung trong cuốn sách "Tĩnh lặng" của thiền sư Thích Nhất Hạnh, có đoạn: "99,9% thời gian chúng ta dùng vào việc đi tìm những tiện nghi sinh sống. Phải có thật nhiều của cải để đổi lấy sự an toàn. Nhưng ta không biết rằng ta không cần nhiều đến vậy. Thứ ta cần nhiều nhất đó chính là sự bình an. Mà sự bình an không đến ở bên ngoài mà trong chính hơi thở của mỗi chúng ta. Vậy nên, việc cần làm là ta nên kết nối với chính mình, có mặt ở mỗi phút giây hiện tại. Chẳng phải chỉ cần có một cơ thể khỏe mạnh, có đủ cơm ăn, có nhà để ở, đã là đủ đầy rồi hay sao?".
Tôi tin, đến một lúc nào đó, bất cứ ai cũng tự biết cách dưỡng nuôi tâm hồn mình, bằng cách sống với khoảnh khắc hiện tại, lắng lòng lại để nhận ra niềm hạnh phúc chẳng phải tìm kiếm đâu xa, bởi nó có ngay trong khoảnh khắc ta sống với hiện tại. Đó có thể là một buổi sáng thức dậy ngắm ban mai trong trẻo, thưởng thức tách cà phê, trà thơm bên khu vườn tự tay chăm sóc…
Và như lúc này đây, tôi đang ngồi trò chuyện cùng bạn trong một buổi chiều cuối năm thật đẹp!
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-ta-can-nhat-la-su-binh-an-196240120193326088.htm