Thử thách lớn với phục hồi kinh tế

Khi lệnh phong tỏa dần được nới lỏng tại nhiều quốc gia thì hoạt động kinh doanh, sản xuất bắt đầu được khởi động trở lại. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người lao động được khôi phục việc làm. Ngược lại, hàng loạt đợt cắt giảm nhân sự mới tiếp tục diễn ra. Làn sóng thất nghiệp mới thứ hai này đang tiếp tục tạo thử thách lớn với việc phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.

Dòng người chờ đợi bên ngoài một trung tâm hỗ trợ người thất nghiệp tại Las Vegas, Mỹ.

Trong ngày 27-5, Tập đoàn Boeing của Mỹ đã tuyên bố cắt giảm thêm 6.770 nhân sự, một phần trong kế hoạch sa thải khoảng 10% trong tổng 145.000 nhân viên của hãng trên toàn cầu. Cùng ngày, Chevron - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Mỹ cho biết sẽ cắt giảm 15% nhân sự trên toàn cầu. Trong khi đó, IBM dừng hợp đồng với hàng nghìn vị trí và Uber cho nghỉ khoảng 7.000 nhân viên cùng với việc đóng cửa 45 văn phòng trên toàn cầu.

Ở châu Âu, Hãng xe Renault của Pháp ngày 29-5 thông báo sẽ giảm 15.000 việc làm nhằm tiết kiệm 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trong 3 năm tới. Hãng hàng không Anh British Airways cũng thông báo sẽ sa thải khoảng 12.000 nhân viên.

Trên cơ sở bức tranh ảm đạm của thị trường lao động toàn cầu, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính số giờ làm việc trong quý II-2020 của thế giới sẽ giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương với việc mất đi hơn 305 triệu việc làm toàn thời gian. Trong đó, nhóm lao động trẻ tuổi thiệt hại nhiều hơn cả, với khoảng 40% (tương đương 178 triệu người) đang làm việc trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. ILO còn lo ngại về việc có tới 77% số lao động trẻ tuổi của thế giới (khoảng 328 triệu người) đang làm các công việc không chính thức, đồng nghĩa rằng họ sẽ xếp đầu trong các danh sách sa thải thời gian tới.

Tại Mỹ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Kevin Hassett cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này sẽ lên tới 22%-23% trong tháng 5 và tăng nhẹ trong tháng 6 trước khi có thể giảm trở lại. Hãng nghiên cứu Statista cũng nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) lên mức 9% trong năm 2020. Trong đó, những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hy Lạp (19,9%) và Tây Ban Nha (18,9%).

Sự xuất hiện của làn sóng thất nghiệp thứ hai tiếp tục đè nặng lên các nỗ lực khôi phục kinh tế của nhiều quốc gia. Trong một tuần vừa qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 2,1 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chính thức đưa con số này vượt mốc 40,8 triệu đơn. Tại châu Âu, có tới 35 triệu lao động ở 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực hiện chỉ được thanh toán một phần lương. Người lao động thất nghiệp từ nước ngoài trở về cũng đang trở thành vấn đề lớn với một số nước. Tại Philippines, chính phủ đang đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục để 24.000 lao động hồi hương đang ở trong các cơ sở cách ly được về nhà. Đáng chú ý, lao động ở nước ngoài là một trụ cột của nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này, đem tới lượng kiều hối khoảng 30 tỷ USD/năm cho Philippines.

Để người lao động có thể trở lại làm việc hoặc tìm được việc làm trong bối cảnh "bình thường mới", các chính phủ đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, trong đó ưu tiên tạo việc làm cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng sa thải nhân công ồ ạt. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế vẫn chưa rõ ràng.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi đáng kể về mô hình hoạt động của các doanh nghiệp và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều cơ hội mới trên thị trường lao động. Khi những mô hình mới phát huy hiệu quả, các chủ thể sử dụng lao động sẽ điều chỉnh nhu cầu nhân sự theo hướng ưu tiên nhóm có trình độ cao, kỹ năng phù hợp. Khi đó, những lao động kịp thời tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết sẽ sớm tìm lại được việc làm, thậm chí có được cơ hội thu nhập tốt hơn.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/968812/thu-thach-lon-voi-phuc-hoi-kinh-te