Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên nên nói với học sinh 'các con không cần đi học thêm đâu'

Thầy cô có phương pháp dạy đúng và học sinh có phương pháp học phù hợp, thì ngoài giờ học chính khóa, học sinh không nhất thiết phải học thêm quá tải như hiện nay.

Trao đổi với báo chí ngày 18-2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết Thông tư 29 quy định về dạy thêm học thêm và Thông tư 30 quy định về quy chế tuyển sinh THCS và THPT được ban hành đều nhằm mục đích giảm áp lực không cần thiết trong công tác thi tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT và công tác học thêm của học sinh.

Cần các giải pháp đồng bộ

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, các quy định mới nhằm đẩy mạnh sự phát triển của trường lớp, thúc đẩy phương pháp giảng dạy và phương pháp học. Nếu trong giờ học chính khóa, thầy cô có phương pháp dạy đúng và học sinh có phương pháp học phù hợp, thì không nhất thiết phải dạy thêm học thêm quá tải như hiện nay.

Các quy định mới cũng nhằm từng bước nâng cao tính tự giác, tự lập, tự chủ, tự học của học sinh. Bởi, theo ông Thưởng, nếu cứ bắt học sinh phải học thêm ngay từ cấp tiểu học, thì người lớn đã tự làm mất đi tính tự giác, tự chủ của các em.

"Tôi biết có nhiều phụ huynh lo lắng rằng nếu không đi học thì con ở nhà sẽ chơi điện tử, xem tivi... Nhưng cần nhấn mạnh rằng không ai có thể theo con đến suốt cuộc đời cho chuyện học được.

Chúng ta đã xem bộ phim rất nổi tiếng 'Ở nhà một mình', đó là cách tự lập mà chúng ta nên dạy các con. Tất nhiên công cuộc này không đơn giản, nhưng phải đi từng bước", ông Thưởng cho hay.

 Để thực hiện tốt các quy định về dạy thêm học thêm, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh minh họa: TT

Để thực hiện tốt các quy định về dạy thêm học thêm, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh minh họa: TT

Các quy định mới cũng nhằm tăng cường một cách thực chất sự vào cuộc của gia đình trong công tác tham gia giáo dục. Nguyên lý của giáo dục từ xưa đến nay, đặc biệt là tại Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới toàn diện giáo dục, đã nêu rất rõ rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa xã hội - nhà trường - gia đình. Nhưng lâu này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều gia đình vẫn phó mặc cho nhà trường.

Trong Công điện của Thủ tướng đã nêu rõ nếu muốn giảm áp lực thi cử cho học sinh, học sinh không còn phải học thêm, thì địa phương phải đảm bảo cơ sở, điều kiện để học sinh được tiếp cận giáo dục. Trường học phải đảm bảo đúng sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định.

"Tuy nhiên, ở nhiều thành phố, có lớp 50-60 học sinh/lớp, vừa vi phạm quy chế, vừa không đảm bảo chất lượng giảng dạy. Một thầy, cô không thể cùng lúc quan tâm đến 50-60 em", ông Thưởng nói.

Cùng với đó, phụ huynh học sinh cũng không nên gây quá nhiều áp lực cho con mình, không đặt kỳ vọng về điểm số, không nhất thiết phải trường chuyên, lớp chọn nếu năng lực của con mình khác hẳn năng lực của con người khác.

"Để thực hiện hiệu quả các quy định này, cần nhiều giải pháp đồng bộ và cần có sự vào cuộc và trách nhiệm của tất cả các bên: Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, thành phố và nhà trường", ông Thưởng nhấn mạnh.

Theo đó, về phía nhà trường, giáo viên có nhu cầu dạy thêm bên ngoài cần báo cáo hiệu trưởng. Tuy nhiên, "Thông tư 29 không thể quy định cụ thể rằng giáo viên cần báo cáo thế nào, mẫu báo cáo ra sao... vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ban giám hiệu nhà trường", ông Thưởng cho hay.

Thực hiện Thông tư 29 và Thông tư 30 không phải chỉ là vấn đề của Bộ GD&ĐT.

Công điện của Thủ tướng nêu rõ rằng trách nhiệm quản lý công tác dạy - học thêm, thi tuyển sinh đầu cấp là trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Chủ tịch có quyền phân công cho giám đốc các sở GD&ĐT, từ đó phân công xuống các phòng GD&ĐT và các giáo viên.

Cần loại bỏ bệnh thành tích

Cũng theo ông Thưởng, chương trình học đã thay đổi, do đó cần đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, đổi mới nhận thức của học sinh, phụ huynh và giáo viên về điểm số. Thậm chí, giáo viên nên nói với học sinh rằng “con không cần phải đi học thêm đâu”.

Cùng với đó là nhận thức về bệnh thành tích. "Thành tích thì ai cũng muốn, nhưng trở thành bệnh, thái quá với năng lực của mình thì cần nhìn nhận lại", ông Thưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề chương trình học có giảm tải không, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ mới thực hiện. Năm 2023, Bộ đã đánh giá giữa kỳ và trong quá trình thực hiện đã tinh chỉnh theo ý kiến đóng góp của các cục, vụ, chuyên gia, qua kiểm tra thực tiễn và kết luận của UBTV Quốc hội.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng các quy định mới dạy thêm học thêm sẽ làm giảm thu nhập của giáo viên. Theo ông Thưởng, nếu thu nhập tăng nhiều mà không phù hợp, tăng bằng cách ép buộc học sinh, thì việc giảm là đúng.

"Không phải thầy cô nào cũng dạy thêm được, cũng không phải môn nào cũng có người học thêm. Những giáo viên mầm non, họ dạy thêm ở đâu?", ông Thưởng nêu câu hỏi.

Nhiều phụ huynh rất cần nhà trường phải trông giữ con mình. Nếu không học thêm ở trường, con chỉ học đến 3-4 giờ chiều thì cha mẹ không đi đón được. Về vấn đề này, phụ huynh và nhà trường phải thống nhất, thỏa thuận với nhau dựa trên các quy định phù hợp, chứ thông tư của Bộ GD&ĐT không thể quy định được.

Cuối cùng, nếu chúng ta nhìn vào học sinh, mọi thứ vì học sinh, thì các vấn đề sẽ giải quyết được.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên nên nói với học sinh rằng “con không cần phải đi học thêm đâu”. Ảnh minh họa: TT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên nên nói với học sinh rằng “con không cần phải đi học thêm đâu”. Ảnh minh họa: TT

Trong quá trình thực hiện các quy định về dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có các văn bản hướng dẫn.

Về chế tài xử lý những vi phạm trong vấn đề dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ vẫn đang trong quá trình thảo luận.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, một thông tư không thể nào bao quát được hết các vấn đề, chính vì thế Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe dư luận, báo chí và nắm bắt thực tiễn về dạy thêm học thêm.

Ngay tuần sau, Bộ sẽ đi kiểm tra nắm bắt tình hình, nếu có vướng mắc thì tháo gỡ, định nghĩa rõ hơn. Đồng thời, đúng theo Công điện của Thủ tướng, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Ngày 7-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm học thêm.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn.

Ngày 11-2, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT đề nghị, theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-truong-bo-gddt-giao-vien-nen-noi-voi-hoc-sinh-cac-con-khong-can-di-hoc-them-dau-post834854.html