Thứ trưởng Bộ TT&TT: Hướng đến phát triển AI nội bộ của từng tổ chức, cá nhân

'Chúng ta sẽ phát triển AI hẹp, AI chuyên dụng, AI dùng riêng, AI nội bộ của từng tổ chức, cá nhân', Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh tại hội nghị 'Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng AI và thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình'.

Sáng 24/10, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị “Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Trong đó, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ, mà là yếu tố làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất.

Lực lượng sản xuất có sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên số, là công cụ sản xuất mới. Ứng dụng công nghệ số cũng sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm. Ảnh: Lê Dương

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm. Ảnh: Lê Dương

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, công nghệ số giúp nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là thông qua AI. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển nhân loại, một nhóm công nghệ mới tác động mạnh mẽ tới cả 3 yếu tố chính của lực lượng sản xuất là lao động, công cụ và tài nguyên. Bởi vậy, nhiều quốc gia đã coi công nghệ số là lực lượng sản xuất cơ bản mới.

Về dữ liệu, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, đó là tài nguyên, là đất đai mới và cần có thể chế quản lý mới để giải phóng giá trị.

“Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy, việc xây dựng thể chế để phân tách quyền sở hữu dữ liệu, định giá tài sản dữ liệu, phân chia lợi ích theo đóng gói là rất quan trọng”, ông Tâm nhấn mạnh.

Về trí tuệ nhân tạo, theo Thứ trưởng Phan Tâm, chúng ta đã được trải nghiệm những khả năng phi thường của trí tuệ nhân tạo qua các sản phẩm nổi tiếng như ChatGPT, Gemini... “Việt Nam sẽ phải nghiên cứu và phát triển tận dụng khả năng của Al như thế nào?”, Thứ trưởng Phan Tâm đặt câu hỏi.

Theo ông Phan Tâm, tiềm lực của chúng ta hạn chế, khó có thể tạo ra những con AI cạnh tranh với các sản phẩm nổi tiếng. Vì vậy, định hướng của chúng ta sẽ phát triển AI hẹp, AI chuyên dụng, Al dùng riêng, Al nội bộ của từng tổ chức và từng cá nhân.

Các đại biểu tham gia thuyết trình tại hội nghị. Ảnh: Lê Dương

Các đại biểu tham gia thuyết trình tại hội nghị. Ảnh: Lê Dương

“Dữ liệu là nguyên liệu để đào tạo AI. Bởi vậy, để thúc đẩy nhanh sự phát triển AI tại Việt Nam, chúng ta hãy sử dụng dữ liệu của chính tổ chức mình, của cá nhân mình để phát triển các ứng dụng Al. Chính những ứng dụng AI này sẽ mang lại những giá trị lớn, nhanh và thiết thực, giúp chuyển đổi hoạt động của các tổ chức, giúp thông minh hóa các cá nhân và tổ chức, giúp sinh ra các giá trị mới, giúp đất nước chúng ta giải quyết được ngay những bài toán trước mắt để phát triển”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu còn thảo luận chuyên đề Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng AI. Theo đó, các đơn vị đã có những thuyết trình về “Triển khai hạ tầng dữ liệu và nhu cầu ứng dụng AI trong Y tế”; “Cơ hội thách thức trong bối cảnh mới: Trí tuệ nhân tạo (AI) và một số khuyến nghị”…

Lê Dương

Trần Nghị

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-truong-bo-tt-tt-huong-den-phat-trien-ai-noi-bo-cua-tung-to-chuc-ca-nhan-2335087.html