Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Không tầm soát đột quỵ tùy tiện để giảm gánh nặng cho dân'

Trước thực trạng nhiều cơ sở y tế thương mại hóa các gói tầm soát đột quỵ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đưa ra cảnh báo về xu hướng lạm dụng kỹ thuật cận lâm sàng trong khi thiếu cơ sở y khoa rõ ràng.

Chia sẻ tại hội thảo Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 20/4, TS.BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế đề cập đến vấn đề lạm dụng kỹ thuật cận lâm sàng trong tầm soát đột quỵ, gây tốn kém cho người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức chỉ ra thực tế, hiện nay không ít bệnh viện, phòng khám đang quảng bá rầm rộ các gói tầm soát đột quỵ với chi phí từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Người dân vì lo sợ căn bệnh này, sẵn sàng chi tiền cho các gói dịch vụ mà không hiểu rõ liệu mình có thực sự cần hay không.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Nguyễn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Nguyễn

"Không nên để xảy ra tình trạng một bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ là các cơ sở chỉ định làm cận lâm sàng từ A đến Z rồi sau đó mới gặp bác sĩ khám lâm sàng, sẽ rất lãng phí", ông Thức nói, đồng thời kêu gọi các cơ sở y tế đặt y đức lên hàng đầu, truyền thông đúng cách để người dân không nhầm lẫn giữa phòng ngừa và lo sợ.

Theo thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, các kỹ thuật như chụp CT, MRI não hay mạch máu não có thể hỗ trợ chẩn đoán đột quỵ nhưng việc áp dụng đại trà cho người khỏe mạnh, không có yếu tố nguy cơ rõ ràng là không phù hợp. Bên cạnh chi phí cao, các kỹ thuật này còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là với chụp có cản quang hoặc chụp CT làm tăng phơi nhiễm tia X.

Thay vào đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế cần chú trọng khám sàng lọc đúng nghĩa - tức là tập trung phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, hút thuốc, ít vận động... Đây mới là nền tảng của phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, thay vì lệ thuộc vào hình ảnh học.

“Chúng ta không nên sợ hãi đến mức ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ", thứ trưởng Nguyễn Tri Thức trấn an.

Thống kê được thứ trưởng Nguyễn Tri Thức đưa ra, cho thấy 63% các ca đột quỵ tại Việt Nam xảy ra ở người dưới 70 tuổi. Đáng lo hơn, khoảng 16% các ca đột quỵ ở độ tuổi dưới 50.

Tuy đột quỵ ngày càng trẻ hóa nhưng theo ông Thức, thay vì hoảng sợ và tìm đến những gói tầm soát tốn kém, người dân cần được giáo dục đầy đủ để biết cách tự nhận diện nguy cơ, duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ và tiếp cận đúng tuyến chuyên khoa khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: “Chúng tôi không phủ nhận vai trò của các kỹ thuật hiện đại nhưng việc lạm dụng và thương mại hóa tầm soát khiến người bệnh thiệt thòi và mất lòng tin vào ngành y tế”.

Anh Nhàn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-truong-bo-y-te-khong-tam-soat-dot-quy-tuy-tien-de-giam-ganh-nang-cho-dan-post1735405.tpo