Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: P4G mở rộng 'cánh cửa' kết nối toàn cầu, đặt con người làm trung tâm
Giá trị cốt lõi của P4G không chỉ nằm ở nguồn tài chính mà còn là chất xúc tác tạo ra kết nối, khai thác các ý tưởng, sáng kiến mới, thúc đẩy các mối quan hệ đối tác, hợp tác thực chất và lâu dài.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc phiên thảo luận “Thúc đẩy công nghệ khí hậu: Vai trò của hợp tác công - tư”, phiên thảo luận đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư, ngày 15/4. (Ảnh: Nguyễn Tiệp)
Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ góp phần thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu điểm là lấy con người làm trung tâm trong việc định hình tương lai xanh; đồng thời tạo cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến phục vụ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh toàn cầu.
Ngày 16-17/4, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư năm 2025, chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”.
Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư, xin Thứ trưởng cho biết mục đích và đóng góp của P4G, cũng như vai trò và sự tham gia của Việt Nam tại cơ chế này?
Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030, hay còn gọi là P4G, được thành lập từ năm 2017 do Đan Mạch khởi xướng và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Mục đích của Diễn đàn nhằm kết nối chính phủ với doanh nghiệp và tổ chức xã hội để thúc đẩy hợp tác công – tư trong các lĩnh vực then chốt như giảm thất thoát lương thực, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, nước sạch và giao thông không phát thải. Kết quả nổi bật của P4G là cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực phòng chống biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 1 (2017-2022), P4G đã đầu tư 28 triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tổng số tiền tài trợ của P4G cho giai đoạn 2 (2023-2027) là hơn 35 triệu USD.
Đối tượng thụ hưởng chính mà P4G hướng tới là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn được coi là “nguồn tài nguyên mới” chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, do đó giá trị cốt lõi của P4G không chỉ nằm ở sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật mà còn là chất xúc tác tạo ra kết nối, khai thác các ý tưởng, sáng kiến mới, thúc đẩy các mối quan hệ đối tác và hợp tác thực chất, lâu dài.
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch (2018), Hàn Quốc (2021) và Colombia (2023) tổ chức, nhằm củng cố và thúc đẩy các cam kết chính trị ở cấp cao trong thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Ba kỳ Hội nghị thượng đỉnh đã chứng minh rằng trên hành trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các quốc gia không thể “đi một mình” hay “tự phát triển”. Hợp tác quốc tế chính là hướng đi trên chặng đường dài ấy. Thông qua hợp tác, các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi từ nhau và tận dụng nguồn lực để cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam là một trong các thành viên sáng lập, đồng thời cũng là một trong những đối tác chính của P4G. Chúng ta không chỉ luôn tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các thành viên thúc đẩy các nghị sự, tầm nhìn, sứ mệnh của Diễn đàn, mà còn thông qua các dự án, chương trình hợp tác trong khuôn khổ P4G để thu hút các nguồn lực quý báu cho phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh tại Việt Nam. P4G cũng hỗ trợ các chương trình đối tác theo mô hình Chính phủ - tổ chức phi lợi nhuận - doanh nghiệp khởi nghiệp mang đến các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và các hành động khí hậu tại Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, các cơ chế của P4G đã hỗ trợ triển khai 8 dự án dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam với kinh phí khoảng gần 2,8 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như chuyển dịch năng lượng, giao thông xanh, xanh hóa chuỗi giá trị lương thực và nông nghiệp…

Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư diễn ra từ ngày 14-17/4 tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Thành Long)
Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” cho Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4, xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chủ đề này và tầm quan trọng của Hội nghị?
Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư được tổ chức tại Hà Nội là sự kiện cấp cao đa phương đầu tiên về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của 9 thành viên P4G, đồng thời nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của hơn 30 quốc gia và tổ chức quốc tế, khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với các thách thức toàn cầu và vì sự phát triển bền vững thịnh vượng chung.
Việc tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng không chỉ khẳng định sự tham gia, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, mà còn giúp tranh thủ các nguồn lực quốc tế quý báu cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thế giới hiện nay đang đứng trước những thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế - xã hội… Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu, là ưu tiên chiến lược của hầu hết các quốc gia và là trọng tâm hợp tác của nhiều cơ chế đa phương. Việc Việt Nam lựa chọn chủ đề của Hội nghị nhấn mạnh yếu tố chuyển đổi xanh và bền vững thể hiện cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực toàn cầu trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định “con người vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực, mục tiêu cho sự phát triển”, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”; tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Như vậy, chủ đề của Hội nghị là “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” đã phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta và xu thế chung của thời đại, thể hiện vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa, Hội nghị thượng đỉnh P4G lần này là cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy các chiến lược chuyển đổi xanh và bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Việc tổ chức Hội nghị cũng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, qua đó tranh thủ các nguồn lực quốc tế cho phát triển, đặc biệt là về chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thông qua việc tổ chức Hội nghị lần này, chúng ta cũng truyền tải đến cộng đồng quốc tế thông điệp về một Việt Nam đang quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, những thành tựu, tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ cũng như những giá trị văn hóa độc đáo của đất nước, tinh thần hiếu khách, thân thiện và bản lĩnh vững vàng của con người Việt Nam.

Một tiết mục nghệ thuật chào mừng Hội nghị thượng đỉnh P4G lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. (Ảnh: Thành Long)
Với ý nghĩa và tầm vóc đó, chúng ta kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những kết quả tích cực nào, thưa Thứ trưởng?
Tiếp nối các Hội nghị thượng đỉnh P4G tại Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia, Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư tại Việt Nam sẽ là diễn đàn để các quốc gia, tổ chức quốc tế thành viên P4G và các khách mời chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý giá, những câu chuyện thành công và giới thiệu những sáng kiến đổi mới; từ đó tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.
Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh sẽ thông qua 2 văn kiện, là “Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” và “Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa P4G và các tổ chức, cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”. Hai văn kiện nhấn mạnh chuyển đổi xanh đã là xu hướng tất yếu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề cao vai trò của công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như sự đóng góp của nhóm chủ thể là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Việc xanh hóa quá trình chuyển đổi đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cơ chế đa phương, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo, chúng tôi hy vọng sẽ có các kế hoạch hợp tác có ý nghĩa được ký kết giữa các bên, qua đó đóng góp thiết thực vào thành công chung của Hội nghị cũng như tiến trình chuyển đổi xanh bền vững mà chúng ta cùng tham gia thúc đẩy.
Qua trao đổi với Việt Nam, một số tổ chức tín dụng và nhà tài trợ quốc tế đã dành những cam kết tài chính có ý nghĩa cho các dự án tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và sẽ công bố chính thức tại Hội nghị
Xin Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để có một Hội nghị thành công như mong muốn?
Dự kiến khoảng 1.000 đại biểu quốc tế đến từ hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên P4G và đối tác, khách mời, các cơ quan quản lý về tăng trưởng xanh của các nước thành viên P4G, các quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, học giả, doanh nghiệp, ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế đăng ký tham dự dưới các hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Với tầm vóc và ý nghĩa của Hội nghị, công tác chuẩn bị tổ chức được quan tâm chỉ đạo sát sao và được triển khai từ sớm, với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội nhằm bảo đảm Hội nghị được tổ chức thành công trên tất cả các mặt, qua đó vừa thu hút sự quan tâm tham dự của quốc tế, vừa thể hiện sự trọng thị, hiếu khách, dấu ấn của Việt Nam.
Các công tác liên quan đến lễ tân, tuyên truyền, văn hóa cũng được chú trọng chuẩn bị trên tinh thần chu đáo, trọng thị, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, một mặt nâng cao uy tín của Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện đối ngoại lớn, quan trọng của đất nước trên cơ sở tuân thủ các quy tắc, thông lệ và yêu cầu quốc tế; mặt khác truyền tải đến cộng đồng và bạn bè quốc tế hình ảnh về một quốc gia đang đổi mới mạnh mẽ, giàu bản sắc văn hóa và quyết tâm cao trong việc chuyển đổi mô hình phát triển, đồng thời mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế để chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.