Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến' trước rào cản thuế quan của Mỹ

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, với mức thuế 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra với Việt Nam, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Ngày 2-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế tới 46%. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhất của Việt Nam.

Trao đổi với báo chí trưa 3-4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Phùng Đức Tiến, cho biết dù trước đó trong các cuộc họp bàn, đưa ra các kịch bản ứng phó, đã trong tư thế sẵn sàng nhưng sau khi Mỹ công bố mức thuế với Việt Nam cũng không tránh khỏi choáng váng.

. Phóng viên: Với mức thuế mới áp với Việt Nam mà Tổng thống Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố, ông đánh giá sẽ tác động thế nào tới xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam?

+ Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số các thị trường, thị trường Mỹ đang xếp thứ nhất. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ đạt 13,8 tỉ USD. Xếp thứ hai là thị trường Trung Quốc với 13,6 tỉ USD.

 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi với báo chí trưa 3-4. Ảnh: AH

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi với báo chí trưa 3-4. Ảnh: AH

Để xuất khẩu được vào Mỹ, các mặt hàng nông lâm thủy sản của ta cũng phải vượt qua nhiều rào cản, như các biện pháp về chống bán phá giá, các quy định về công nhận tương đương trong thủy sản…

Có thể nói, với mức thuế 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra với Việt Nam, nông lâm thủy sản của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Đương nhiên, trong quá trình áp thuế, chúng ta vẫn tiếp tục phải có ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước của Mỹ. Vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện đối với Việt Nam, thì tất cả nền kinh tế, trong đó lĩnh vực nông nghiệp phải được lợi từ đó. Vừa rồi Chính phủ đã họp để bàn thảo chuyện này.

Tuy nhiên, 'dĩ bất biến, ứng vạn biến', chúng tôi tin chắc chắn chúng ta sẽ có những giải pháp để ứng phó với vấn đề này. Trong đó, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57 để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và các thị trường khác cũng rất nhiều tiềm năng và lợi thế với nông sản Việt Nam.

Đơn cử như thị trường Trung Quốc với 1,4 tỉ dân, hiện là thị trường lớn thứ hai của nông sản Việt Nam, thời gian qua nhiều nghị định thư xuất khẩu nông thủy sản giữa hai nước đã được kí kết, chúng ta có thể tranh thủ. Ngoài ra, thị trường Châu Âu cũng là thị trường lớn nhiều tiềm năng.

. Vậy với bối cảnh này, ngành nông nghiệp có điều chỉnh lại mục tiêu xuất khẩu trong năm nay?

+ Vừa rồi Bộ đã họp về tăng trưởng của ngành nông nghiệp với mục tiêu đạt 4% cho năm 2025. Hiện hết quý 1 chúng ta dự kiến đạt được 3,69%. Mục tiêu xuất khẩu 65 tỉ USD thì hết quý 1 ta đã đạt 15,72 tỉ USD, tăng 13,1%. Với tác động của thị trường Mỹ thì chúng ta phải bàn lại với những giải pháp như tôi vừa nêu, và công tác tổ chức thực hiện ở các ngành, lĩnh vực thế nào để đạt mục tiêu trên.

. Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 15,72 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỉ USD; thủy sản đạt 2,29 tỉ USD; lâm sản đạt 4,21 tỉ USD…

Xét theo thị trường, Mỹ chiếm thị phần 20,2%, Trung Quốc với thị phần 17,3%, và Nhật Bản với thị phần 7,7%, là ba thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 13,5%, Trung Quốc tăng 3,6%, và Nhật Bản tăng 26%.

Các mặt hàng gồm hạt tiêu, hạt điều, rau quả, thủy sản, gỗ được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-truong-phung-duc-tien-di-bat-bien-ung-van-bien-truoc-rao-can-thue-quan-cua-my-post842345.html