Chứng khoán Mỹ bán tháo dữ dội, Dow Jones 'bay' gần 1.700 điểm, giá dầu sụt 6%
Chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất từ năm 2020, cổ phiếu của các công ty đa quốc gia gần như rơi tự do...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York phiên ngày 3/4 - Ảnh: Reuters.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế đã gây ra một cơn bán tháo nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (3/4), với chỉ số Dow Jones “bốc hơi” gần 1.700 điểm và chỉ số S&P 500 rơi vào thị trường điều chỉnh. Mối lo chiến tranh thương mại toàn cầu và suy thoái kinh tế và một động thái bất ngờ của OPEC+ khiến giá dầu thô lao dốc 6%.
Lúc đóng cửa, S&P 500 mất 4,48%, còn 5.396,52 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Dow Jones bay 1.679,39 điểm, tương đương giảm 3,98%, còn 40.545,93 điểm, cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số blue-chip này từ tháng 6/2020. Chỉ số Nasdaq trượt 5,97%, kết thúc phiên ở mức 16.550,61 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ tháng 3/3030.
Sắc đỏ phủ khắp các bảng điện tử hiển thị giá cổ phiếu ở Phố Wall. Trong số 500 cổ phiếu thành viên của S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - có hơn 400 cổ phiếu chốt phiên trong trạng thái giảm.
Với cú giảm sâu của phiên này, S&P 500 rớt xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 năm ngoái. Chỉ số hiện đã giảm khoảng 12% so với mức đóng cửa kỷ lục ghi nhận vào tháng 2, đáp ứng định nghĩa của thị trường điều chỉnh (correction) là một tài sản mất giá từ 10% trở lên so với đỉnh gần nhất.
Cổ phiếu của các công ty đa quốc gia gần như rơi tự do. Nike và Apple giảm tương ứng 14% và 9%. Các nhà bán lẻ Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu không nằm ngoài nhóm những cổ phiếu bị bán dữ dội nhất. Five Below sụt gần 28%; Dollar Tree mất 13%; và Gap rơi 20%. Tâm lý ham thích rủi ro suy giảm cũng khiến cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn ngập trong sắc đỏ, như Nvidia sụt khoảng 8% và Tesla trượt hơn 5%.
Thuế suất cơ sở 10% của thuế đối ứng sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi thuế suất lớn hơn đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ có hiệu lực trong những ngày tới - hãng tin CNBC dẫn thông tin từ chính quyền Trump cho hay.
Cũng trong ngày thứ Năm, ông Trump thừa nhận thị trường đang bán tháo và so sánh việc thực thi thuế quan với “một cuộc phẫu thuật, giống như trong lúc người bệnh đang được mổ”. “Thị trường sẽ bùng nổ. Chứng khoán sẽ bùng nổ. Nước Mỹ sẽ phát triển bùng nổ. Và phần còn lại của thế giới sẽ tìm cách thương lượng”, ông Trump nói.
Trước khi ông Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng, thị trường đã kỳ vọng thuế suất 10% hoặc tối đa là 20%, thay vì hình dung ra việc mức 10% chỉ là tối thiểu. Những mức thuế cụ thể được công bố đối với nhiều đối tác thương mại như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là cao hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Nếu tính cả thuế quan bổ sung mà ông Trump đã áp lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ này, hàng Trung Quốc phải chịu mức thuế 54%, chưa tính đến thuế quan đã có từ trước.
“Đây là kịch bản tồi tệ nhất về thuế quan và vẫn chưa được phản ánh vào giá tài sản. Đó là lý do vì sao chúng ta lại đang chứng kiến khẩu vị rủi ro giảm mạnh đến vậy. Câu hỏi lớn bây giờ là liệu S&P 500 có giữ được mốc 5.500 điểm. Nếu mốc này không giữ được, chỉ số có thể giảm thêm 5-10% nữa, và có thể tìm thấy đáy ở vùng 5.200-5.400 điểm”, chiến lược gia trưởng Mary Ann Bartels của công ty Sanctuary Wealth nhận định với CNBC.
Bán tháo cũng là xu thế chung của chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Năm. Chỉ số MSCI All Country World Index giảm 3,41%, còn 807,64 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ tháng 6/2022.
Trong khi bán mạnh cổ phiếu, nhà đầu tư quay sang mua trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn. Do giá trái phiếu tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm còn 4%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2024.
Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái nếu thuế quan đối ứng duy trì trong một khoảng thời gian dài và không được đàm phán để giảm xuống mức thấp hơn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 4,81 USD/thùng, tương đương giảm 6,42%, đóng cửa ở mức 70,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 4,76 USD/thùng, tương đương giảm 6,64%, còn 66,95 USD/thùng.
Xét theo tỷ lệ phần trăm, đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu Brent kể từ ngày 1/8/2022 và của giá dầu WTI kể từ ngày 11/7/2022 - hãng tin Reuters cho biết.
Ngoài áp lực từ thuế quan của ông Trump, giá dầu còn lao dốc vì tin OPEC+ bất ngờ nhất trí tăng mạnh sản lượng khai thác dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Tại một hội nghị bộ trưởng vào ngày 3/4, OPEC+ bất ngờ nhất trí đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu. Theo đó, nhóm này dự kiến tăng sản lượng 411.000 thùng/ngày trong tháng 5, từ mức dự kiến tăng ban đầu là 135.000 thùng/ngày.
“Sức khỏe của nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu có mức độ kết nối rất cao. Giữa lúc thị trường còn đang tiêu hóa tin thuế quan, OPEC+ lại tuyên bố tăng sản lượng. Sự kết hợp giữa triển vọng kinh tế xấu đi và sản lượng dầu tăng đã đặt ra áp lực giảm giá mạnh lên dầu, có thể mở ra một chương mới trên thị trường vốn dĩ đã có nhiều biến động”, bà Angie Gildea, trưởng bộ phận thị trường năng lượng Mỹ của công ty KPMG, nhận định với Reuters.
Hôm 2/4, ngày ông Trump công bố thuế quan đối ứng, ngân hàng UBS đã giảm 3 USD/thùng dự báo giá dầu năm 2025-2026, về mức 72 USD/thùng.
Các nhà giao dịch dự báo giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn do thuế quan có thể thay đổi vì nhiều nước đang cố gắng đàm phán để có được mức thuế thấp hơn hoặc đánh thuế quan trả đũa lên hàng hóa Mỹ.
“Các biện pháp trả đũa sẽ được công bố sớm, và căn cứ vào phản ứng ban đầu của thị trường, có thể thấy rủi ro suy thoái và đình lạm kinh tế đang tăng mạnh. Rốt cục, thuế quan sẽ được trả bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp, chi phí sẽ tăng lên và cản trở tăng trưởng kinh tế”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil nhận xét.