Thứ trưởng Quốc phòng Nga: 'Trật tự thế giới mới' đang hình thành ngay trước mắt chúng ta
Chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một 'trật tự thế giới mới', khi mà hệ thống pháp lý quốc tế hiện hữu đang gãy nứt và nhiều nước chọn phe trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Đó là bình luận mà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Aleksandr Fomin đưa ra ngay trước cuộc Hội thảo về An ninh Quốc tế lần thứ 9 tổ chức tại Moscow từ ngày 22 – 24/6. Sự kiện này sẽ quy tụ nhiều quan chức quốc phòng và chuyên gia an ninh từ nhiều quốc gia, và khoảng 49 nước đã xác nhận tham gia.
Hội thảo sắp tới là một sự kiện hoàn toàn không thiên vị, và các quốc gia sẽ được mời tới tham dự bất chấp tình trạng mối quan hệ hiện tại của họ với nước Nga; ông Fomin nói.
“Tại diễn đàn, chúng tôi sẽ đón tiếp không chỉ những đối tác chia sẻ chung hướng tiếp cận với chúng tôi trong việc giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, mà cả những đối thủ, các nước có mức độ hợp tác với chúng tôi ở mức thấp nhất hoặc không có” – ông Fomin nói.
Những cuộc thảo luận như vậy tại hội thảo tổ chức ở Moscow là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thách thức như hiện nay, ông Fomin nói thêm, khi mà tình hình an ninh và chính trị toàn cầu đang trải qua nhiều sự thay đổi lịch sử, và trật tự thế giới “cũ” đang rạn nứt.
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một trật tự thế giới mới. Chúng ta trông thấy nhiều nước có xu hướng bị kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhiều quốc gia bị chia rẽ thành phe “chúng ta”, phe “họ”, và phe “họ” ở đây được định nghĩa một cách mơ hồ là thù địch trong các tài liệu học thuyết.
“Hệ thống mối quan hệ quốc tế hiện tại và khung làm việc an ninh đang bị hủy hoại một cách có hệ thống. Vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc đưa ra quyết định chung về an ninh cũng đang dần biến mất” – ông nói.
Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều thỏa thuận quốc tế đã bị hủy. Hiện nay chỉ con duy nhất một hiệp ước lớn giữa Washington và Moscow – New START – là còn được duy trì, sau khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nhất trí gia hạn nó thêm 5 năm.
Sự trỗi dậy của nhiều hệ thống vũ khí mới, cùng với nỗ lực của một số quốc gia muốn mang chiến tranh tới nhiều khu vực, càng làm tăng tốc sự xuất hiện của một “trật tự thế giới mới”, ông Fomin nhấn mạnh.
“Về cơ bản, các loại vũ khí mới khiến cán cân quyền lực trên thế giới thay đỏi đột biến đang trỗi dậy, trong khi chiến sự đang lan ra nhiều khu vực mới – cả không gian và an ninh mạng. Điều này đương nhiên dẫn tới sự thay đổi về nguyên tắc và cách thức của chiến tranh” – ông nhấn mạnh.