Thủ tục đầu tư đặc biệt nên cân nhắc cho dự án đặc thù, có tính chất lan tỏa, hiệu quả kinh tế xã hội lớn
Tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định thủ tục đầu tư đặc biệt cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng thủ tục về đầu tư nhìn chung vẫn còn hạn chế. Cụ thể, việc thực hiện thủ tục về đầu tư kéo dài qua nhiều bước, nhiều khâu liên quan đến quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo,…
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở một số quốc gia, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở sở áp dụng các thủ tục hành chính đặc biệt đã và đang được thực hiện ở các mức độ khác nhau… Tại Việt Nam, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch… đã được áp dụng trong các Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương. Tuy nhiên, các dự án nói trên vẫn thực hiện theo các thủ tục đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư và xúc tiến các dự án đầu tư có quy mô lớn tại Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc áp dụng thủ tục đầu tư hiện hành đối với các trường hợp này có thể làm mất đi cơ hội trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Thực tiễn cho thấy, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện, hoặc phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ này là đầu vào của thủ tục khác. Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao…, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược là cần thiết và cấp bách.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt, có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
Khoản 7 Điều 36a quy định “Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 36 và điểm a khoản 2 Điều 42 của Luật Bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp Giấy phép môi trường. Nhưng theo quy định tại khoản 6 Điều 36a, dự án không phải thực hiện phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, do vậy nhà đầu tư sẽ không thể cung cấp được báo cáo này để đủ điều kiện được cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát lại các quy định này, bảo đảm quy định chặt chẽ, đồng bộ với các quy định tại pháp luật chuyên ngành, khả thi trong triển khai thực hiện.
Thủ tục đầu tư đặc biệt nên cân nhắc cho dự án đặc thù, có tính chất lan tỏa
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cho rằng, để xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư trên thị trường, Chính phủ cần rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này, cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Theo đó, có thể cân nhắc việc Thủ tướng Chính phủ quy định khung tiêu chí, quy mô dự án, danh mục dự án cụ thể được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm bảo đảm các dự án được áp dụng thủ tục đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình triển khai và giúp nhà đầu tư nắm rõ, cụ thể về các điều kiện cần thiết được hưởng ưu đãi.
Nêu quan điểm về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần thiết kế quy trình nhanh, điều đó không có nghĩa chỉ rút gọn về thời gian, thủ tục. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, với những dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, nhà đầu tư chỉ cần một bộ hồ sơ xin cấp phép cho tất cả lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy... chứ không phải mỗi khía cạnh lại một hồ sơ như hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng, hiện nhà đầu tư phải đi qua nhiều cơ quan để hoàn thiện hồ sơ, mỗi cơ quan lại yêu cầu một bộ hồ sơ, thời gian kéo dài tới vài ba năm. Thực trạng này cho thấy thủ tục hành chính còn rất phức tạp, không đảm bảo đáp ứng được tình hình thực tiễn trong kinh doanh. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng cần thu về một mối, ví dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau thời hạn 30-60 ngày trả lời nhà đầu tư.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về trình tự, thủ tục đặc biệt áp dụng đối với dự án đầu tư, nội dung tại Điều 36a được bổ sung vào dự án Luật Đầu tư. Trong đó dự thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt áp dụng đối với một số dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.
Khoản 6 Điều 36a dự thảo quy định "Dự án đăng ký đầu tư theo quy định của điều này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự án đầu tư có cấu phần xây dựng được miễn giấy phép xây dựng, không phải lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc lĩnh vực xây dựng phòng cháy, chữa cháy”.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đây là một quy định mang tính đột phá sẽ góp phần rút ngắn thời gian thực hiện dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, được kỳ vọng là sẽ tạo bước chuyển đáng kể đối với môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Tuy nhiên, quy định này liên quan tới nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Do đó, cần tính toán có thể bổ sung thêm một quy định mang tính nguyên tắc để xử lý vướng mắc trong trường hợp một số quy trình, thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện dự án có yêu cầu trong hồ sơ phải có các giấy phép hoặc giấy tờ khác có liên quan đến các nội dung đã được miễn. Theo đó, dự thảo luật cần quy định rõ, trong trường hợp này, cơ quan nào có thẩm quyền xử lý và xử lý như thế nào. Nếu nội dung này không đảm bảo tường minh, rõ ràng, có thể dẫn tới tình trạng lại lúng túng và thiếu thống nhất khi áp dụng.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=90003