Thủ tướng Ấn Độ ca ngợi 'bảo bối' S-400 sau chiến dịch Sindoor
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các hệ thống phòng không của nước này, bao gồm cả tổ hợp S-400 Triumph do Nga sản xuất, đã đóng vai trò quyết định trong Chiến dịch Sindoor.
“Những vũ khí như S-400 đã mang lại sức mạnh chưa từng có cho đất nước”, ông Modi phát biểu trước các binh sĩ quân đội khi đứng trước một hệ thống S-400, đồng thời khẳng định: “Một tấm lá chắn an ninh mạnh mẽ đã trở thành dấu ấn của Ấn Độ”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước hệ thống phòng không S-400
Trước đó, báo The Times of India đưa tin ông Modi đã tới thăm căn cứ không quân Adampur ở bang Punjab, miền tây bắc Ấn Độ, nơi ông chụp ảnh trước tổ hợp S-400 mua từ Nga.
S-400 là một trong hai hệ thống vũ khí nổi bật được Không quân Ấn Độ mua sắm trong thập kỷ qua, bên cạnh máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.
Tuy nhiên, trong khi Ấn Độ đặt hàng số lượng đủ để trang bị cho 10 tiểu đoàn S-400, tạo thành xương sống cho mạng lưới phòng không mặt đất của nước này, thì số lượng Rafale đã bị cắt giảm từ kế hoạch ban đầu là 126 chiếc xuống chỉ còn 36 chiếc, khiến vai trò của Rafale trong lực lượng không quân trở nên hạn chế hơn.
Việc Thủ tướng Modi dành lời khen riêng cho S-400 diễn ra sau một cú sốc lớn về truyền thông đối với Không quân Ấn Độ, khi ít nhất một chiếc Rafale bị bắn hạ trong các cuộc giao tranh với Không quân Pakistan.
Theo một số báo cáo, có từ một đến ba chiếc Rafale đã bị bắn rơi trong các cuộc đụng độ với tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất. Việc mua sắm Rafale từ lâu đã gây tranh cãi do hạn chế về hiệu năng và chi phí cực kỳ cao, khoảng 240 triệu USD mỗi chiếc.
Việc các tiêm kích của Ấn Độ không thể sánh kịp hiệu suất của J-10C, cùng với việc Pakistan được dự đoán sẽ tiếp tục sắm tiêm kích thế hệ thứ năm J-35 tiên tiến hơn nhiều từ Trung Quốc trước năm 2030, đã khiến Ấn Độ lo ngại sâu sắc và được cho là sẽ khiến tầm quan trọng của hệ thống S-400 ngày càng được đề cao.
Hệ thống S-400 được Nga phát triển trong những năm 2000 với trọng tâm là khả năng chống lại máy bay tàng hình của đối phương. Việc sử dụng nhiều radar liên kết hoạt động trên các băng tần bổ trợ cho nhau cho phép hệ thống phát hiện và tiêu diệt mục tiêu tàng hình từ cự ly xa hơn.
Không quân Ấn Độ sẽ nhận tiểu đoàn S-400 cuối cùng trong năm 2025, hoàn tất đơn đặt hàng trị giá 5,43 tỷ USD ký vào tháng 10/2018 với mục tiêu cách mạng hóa khả năng phòng không tầm xa của lực lượng này.

Các bệ phóng tên lửa đất đối không thuộc hệ thống S-400
Trước đó, Ấn Độ dự kiến sẽ nhận hai trung đoàn cuối vào năm 2024, nhưng Moscow và New Delhi đã đạt được thỏa thuận trì hoãn giao hàng do Nga cần khẩn trương kích hoạt thêm hệ thống cho lực lượng không quân của chính mình trong bối cảnh cuộc xung đột với Ukraine và các đồng minh phương Tây vẫn đang tiếp diễn.
Trước khi chiến sự toàn diện bùng nổ tại Ukraine, Nga đã tăng tốc bàn giao S-400 cho Ấn Độ theo yêu cầu từ phía New Delhi.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang xem xét khả năng mua sắm thêm các thiết bị phòng không khác của Nga, bao gồm cả việc ký hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD cho hệ thống radar tầm xa Voronezh-DM.