Gia đình cựu Thủ tướng Thaksin liệu có thể khôi phục được kinh tế Thái Lan?

Sau khi tòa án ra lệnh bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin, liên minh cầm quyền ở Thái Lan nhanh chóng thành lập Chính phủ mới. Đảng Pheu Thai - lực lượng lớn nhất trong liên minh, đã chọn bà Paetongtarn Shinawatra, cũng là đương nhiệm người đứng đầu tổ chức.

Theo một số chuyên gia, bà Paetongtarn dường như muốn thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế từ thời cha mình, là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cũng là nhà sáng lập Pheu Thai.

Tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và cha mình, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - Ảnh: AP

Tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và cha mình, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - Ảnh: AP

Ngày 6/9, bà Paetongtarn cùng 34 thành viên nội các tuyên thệ nhậm chức. Tại kỳ họp đầu tiên vào hôm sau, Thủ tướng mới bày tỏ quyết tâm dùng 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, để hoàn thành chính sách từ người tiền nhiệm.

Chính phủ của ông Srettha, được thành lập tháng 9/2023, là một liên minh lớn bao gồm Pheu Thai và 10 đảng chính trị khác, trong đó có 2 nhóm ủng hộ quân đội. Tuy nhiên đợt cải tổ nội các tháng 4/2024, một quyết định gây tranh cãi được đưa ra, khi Thủ tướng Srettha bổ nhiệm luật sư từng bị kết tội vào nội các.

Tòa án hiến pháp ra lệnh cách chức ông Srettha ngày 14/8, chấm dứt nhiệm kỳ ngắn ngủi chưa đầy 1 năm.

Trước đây, phe ủng hộ ông Thaksin đã trải qua 2 cuộc đảo chính vào năm 2006 và 2014. Ba Thủ tướng cũng phải từ chức do chiến tranh pháp lý hoặc đảo chính tư pháp, tức tòa án chịu ảnh hưởng của quân đội muốn loại những người được dân bầu khỏi quyền lực.

Vào đêm ông Srettha mất chức, liên minh cầm quyền nhanh chóng họp tìm người kế nhiệm. Liên minh cũng trục xuất Palang Pracharath – 1 trong 2 đảng thân quân đội và là khối lớn thứ 4 trong liên minh. Lý do lãnh đạo của đảng này – tướng về hưu Prawit Wongsuwan có 1 số hành động bất hợp tác.

Để lấp khoảng trống, Pheu Thai mời đảng Dân Chủ - đảng lớn thứ 6 trong quốc hội tham gia. Như vậy phe cầm quyền đảm bảo nhận được 322 trên 500 phiếu tại Hạ viện, tăng từ 314 ghế trước đó.

Ngày 22/8, cựu Thủ tướng Thaksin có bài phát biểu công khai đầu tiên từ khi trở về Thái Lan. Ông đề xuất kế hoạch 14 điểm kích thích nền kinh tế, như tái cấu trúc nợ hộ gia đình - doanh nghiệp, đổi mới nhiều ngành công nghiệp bằng cách xây dựng trung tâm dữ liệu, phát triển năng lượng xanh và thành lập khu phức hợp giải trí tập trung vào sòng bạc.

Đề xuất này dường như phản ánh sự háo hức của ông, trong việc định hướng cho chính quyền của bà Paetongtarn.

Sau khi trục xuất đảng của ông Prawit, và củng cố thành công sự đoàn kết các thành viên, liên minh cầm quyền hiện có thể tập trung vào thực hiện chính sách.

Bà Paetongtarn nhậm chức ở tuổi 37, là Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay ở Thái Lan. Người cô của bà cũng từng làm Thủ tướng, là chính trị gia Yingluck Shinawatra. Mục tiêu của bà Yingluck năm 2011, là mở đường cho anh trai mình trở lại quyền lực. Hiện nay khi ông Thaksin Shinawatra đã trở lại, bà Paetongtarn có thể yên tâm tập trung phục hồi kinh tế.

Theo 1 số chuyên gia, Thái Lan đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong nhiều năm, hiện tụt lại về tăng trưởng so với các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Tình hình càng trở nên trầm trọng do bất ổn chính trị.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, năm 2024 GDP xứ chùa vàng chỉ tăng khoảng 2,6%.

Ông Thaksin từng là người tiên phong trong quá trình phục hồi kinh tế Thái Lan, sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ông giúp nước này tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu những năm 2000. Giờ đây, ông có cơ hội làm điều đó 1 lần nữa, thông qua chính quyền của con gái mình.

Bất chấp kinh tế trì trệ, nhiều người dân Thái Lan đang hy vọng ông Thaksin có thể làm điều gì đó. Ảnh hưởng của ông trong xã hội vẫn còn tương đối lớn. Nhưng liệu ông có thể chứng minh được bản lĩnh hay không? Có lẽ thời gian sẽ trả lời.

Nguyễn Văn Phong

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/gia-dinh-cuu-thu-tuong-thaksin-lieu-co-the-khoi-phuc-duoc-kinh-te-thai-lan-313395.html