Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, làm việc tại Công ty cổ phần vật tư và thiết bị Toàn bộ (MATEXIM)
Tiếp tục chương trình làm việc tại Bắc Kạn, chiều 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra thực tế tại Nhà máy Luyện kim phi cốc của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (MATEXIM) tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.
Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh đã kiểm tra thực tế dây chuyền sản xuất của Nhà máy Luyện kim phi cốc.
Theo báo cáo của lãnh đạo công ty, dự án Nhà máy Luyện kim phi cốc (sản xuất sắt xốp) có tổng vốn đầu tư hơn 490 tỷ đồng. Được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013 đến cuối năm 2015, sau đó nhà máy dừng hoạt động cho đến nay.
Nguyên nhân chính là do thời điểm nhà máy đi vào hoạt động cũng vào lúc thị trường tiêu thụ sắt thép trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn, giá thành sản xuất cao hơn giá bán, đặc biệt là các nhà máy sản xuất thép ở Việt Nam không có thói quen sử dụng sắt xốp trong sản xuất thép.
Việc dừng hoạt động trong nhiều năm gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của địa phương và sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Mặt khác, việc dừng sản xuất gây hao mòn hỏng hóc tự nhiên, nhiều công đoạn, dây chuyền rất khó hoặc không có khả năng khôi phục, buộc phải thay mới khi hoạt động trở lại.
Sau khi nghe báo cáo của Công ty MATEXIM, ý kiến của các bộ Tài Nguyên và Môi trường, Công thương, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương liên quan và địa phương phải đề cao trách nhiệm trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tổ chức lại để nhà máy hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần giúp Khu công nghiệp Thanh Bình phát triển; đẩy mạnh việc khai thác khoáng sản, đáp ứng nhu cầu thị trường về sắt, thép. Quyết tâm không để cho các thiết bị dây chuyền nhà máy dừng hoạt động quá lâu, gây lãng phí nguồn lực, tiền của Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bộ Công thương chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng hành với doanh nghiệp, có cơ chế phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; đặc biệt tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho doanh nghiệp, tránh tình trạng sản xuất ra không có chỗ tiêu thụ. Đồng thời, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và tỉnh Bắc Kạn cần đánh giá lại toàn bộ trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh, quy hoạch lại, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; tránh tình trạng nguồn tài nguyên có nhưng không có doanh nghiệp khai thác; trong quá trình tổ chức khai thác phải lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, cam kết thực hiện hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương./.