Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV có tính cách mạng, hành động, khả thi cao
Sáng 16/4, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV đã được bổ sung, hoàn thiện theo hướng có tính cách mạng, hành động, khả thi cao, ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời bảo đảm tính khái quát cao của Văn kiện Đại hội Đảng.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV đổi mới về nội dung và hình thức, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tại Hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã có 538 lượt ý kiến để hoàn thiện dự thảo các văn kiện. Trong đó có nhiều điểm mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cần tập trung quán triệt để các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chuẩn bị triển khai ngay từ thời điểm hiện nay; đồng thời góp phần định hướng cho việc xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp.
Liên quan tới những điểm mới trong dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với văn hóa hơn 4 ngàn năm lịch sử hào hùng của Việt Nam được vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam và bối cảnh thế giới. Đây là sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể Việt Nam thời kỳ mới; là sự phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phù hợp với các quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn đất nước và xu thế thời đại; kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại.
Phân tích những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, về chủ đề Đại hội, trên cơ sở bổ sung các thành tố tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và chỉnh sửa, bảo đảm ngắn, gọn, rõ, mang tính hiệu triệu, hành động mạnh mẽ, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”
Về đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, bối cảnh tình hình, bổ sung, nhấn mạnh: tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh, sâu sắc, toàn diện hơn, nhất là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI); các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp;...

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Liên quan tới bài học kinh nghiệm, Trung ương đồng ý điều chỉnh, hoàn thiện 3 bài học kinh nghiệm thể hiện tinh thần mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu về giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế,
Về quan điểm, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Bảo đảm phát triển để ổn định và ổn định để phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững; tháo gỡ kịp thời, dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt; khơi thông và giải phóng mọi nguồn lực, phát huy mọi động lực. Đột phá mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thu hút, trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới. Mục tiêu phát triển, bổ sung, nhấn mạnh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; cải thiện và nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026 - 2030, rà soát, điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cho giai đoạn 2026 - 2030 từ 10%/năm trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP...
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế
Bên cạnh đó, trong dự thảo Báo cáo Chính trị nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó một số nội dung mới quan trọng được bổ sung bao gồm: Về hoàn thiện thể chế phát triển; Về cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Về phát triển mạnh mẽ, toàn diện văn hóa và con người Việt Nam; Về xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại; Về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Về quản lý phát triển xã hội bền vững; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội;...
Trong đó, về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Trên tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khẩn trương, quyết liệt đổi mới và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường, chuẩn mực và thông lệ quốc tế; có cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, nhất là trong nghiên cứu cơ bản; tháo gỡ dứt điểm các nút thắt, rào cản, trọng tâm là cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ.;
Về quản lý phát triển xã hội bền vững; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Đẩy mạnh xây dựng chính phủ số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và quản lý phát triển xã hội bền vững. Xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, lấy con người là trung tâm;
Về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu trong quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, phát triển và khai thác hiệu quả tài nguyên số;...
Liên quan tới nhiệm vụ trọng tâm, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; xác lập mô hình tăng trưởng mới lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng xã hội số.
Về đột phá chiến lược, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, quản trị phát triển giữa Trung ương và địa phương, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị thực sự tiêu biểu, nhất là những người đứng đầu.
Bảo đảm thể chế phải đi trước, mở đường cho đột phá phát triển
Nêu những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 -2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 -2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đươc nêu trong Dự thảo Báo cáo KT-XH, trong đó một số nội dung mới cụ thể như sau:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Về hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực, bổ sung, nhấn mạnh bảo đảm thể chế phải đi trước, mở đường cho đột phá phát triển; đổi mới tư duy, quan điểm, phương pháp, nâng cao năng lực xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi hiệu quả. Bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra giám sát và nâng cao năng lực thực thi của các cấp. Mở rộng quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm và tổ chức thực hiện cho các địa phương...
Về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, bổ sung, nhấn mạnh các nội dung: Thực hiện chiến lược thu hút hiệu quả đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài; có giải pháp cụ thể huy động nguồn lực trong Nhân dân. Xây dựng chiến lược và đầu tư khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, trong lòng đất và không gian biển. Hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường tiêu dùng nội địa. Nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, tăng tỷ lệ giá trị nội địa của hàng hóa xuất khẩu...
Về phát triển kinh tế tư nhân, xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu hợp pháp; tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân.
Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cập nhật, bổ sung, nhấn mạnh những nội dung chủ yếu, quan trọng của Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó chú trọng đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng. Trong đó, tập trung phân tích về kết quả công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIV; 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIV.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính các báo cáo đã được bổ sung, hoàn thiện với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, theo hướng hành động, khả thi cao, ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời bảo đảm tính khái quát cao của Văn kiện Đại hội Đảng Bộ Chính trị, Trung ương đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện để lấy ý kiến đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=93536