Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhđối thoại với nông dân

Chiều nay 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Với chủ đề “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”, Ban Tổ chức hội nghị đã tiếp nhận gần 2.000 câu hỏi của nông dân, doanh nghiệp trên cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: H.A

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: H.A

Trực tiếp tại hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận 14 câu hỏi của đại biểu tập trung vào những vấn đề nông dân cả nước đang quan tâm như: Mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long; một số biện pháp hỗ trợ cụ thể thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp như trang bị thiết bị, hạ tầng mạng viễn thông, đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền. Các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân, nhất là việc thực hiện các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững. Quan tâm, tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh, mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phát triển công nghiệp, làng nghề... để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và hình thành nhiều miền quê đáng sống...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhờ các chính sách của Nhà nước; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và tinh thần sáng tạo, năng động của nông dân đã giúp ngành nông nghiệp ngày càng đạt nhiều kết quả nổi bật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm thực hiện khát vọng làm giàu, góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại và nông dân thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc.

Nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, hiệu quả cao và bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân...

Phải làm sao để người nông dân hiểu, nhận thức, thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân.

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại Nhân dân.

Tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam tham gia các tổ chức nông dân của khu vực và quốc tế; phát huy vai trò của nông dân trong hoạt động đối ngoại Nhân dân, hội nhập quốc tế, hợp tác, giao thương, trao đổi, giới thiệu hàng hóa nông sản giữa nông dân Việt Nam với nông dân các nước.

Tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, xác định là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh nông sản...

Hải An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-doi-thoai-voi-nong-dan/182482.htm