Thủ tướng chủ trì hội nghị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ngày 9/7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng kết, thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ đã có những chuyển biến hết sức tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Vùng tiếp tục là cực tăng trưởng với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ, năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Kinh tế tư nhân của Vùng phát triển năng động, mạnh mẽ; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.
Vùng đang dần trở thành “bệ đỡ” cho phát triển Vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.
Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong Vùng. Hệ thống đô thị đã được phát triển và phân bố hợp lý tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong Vùng.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển khá và đạt trình độ cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cao ở mức hàng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Lĩnh vực y tế được cải thiện, nhất là y tế chuyên sâu đã có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới.
Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được một số thành tựu nổi bật. Thành phố Hồ Chí Minh dần trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin của Vùng và cả nước.
Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được. Công nghiệp của Vùng phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Kết cấu hạ tầng vùng, liên Vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.
Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Vùng.
Liên kết giữa các địa phương trong Vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội Vùng và liên Vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị bàn về một vấn đề khó, lớn, phức tạp; ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chuẩn bị tốt nội dung, chương trình hội nghị, các báo cáo, tham luận sâu sắc, thẳng thắn, khách quan, tâm huyết, trách nhiệm, có tính xây dựng, khoa học và giàu tính thực tiễn, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW.
Nhấn mạnh việc tổ chức Hội nghị và tổng kết các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị theo tinh thần “nói đi đôi với làm”, Thủ tướng gợi mở một số định hướng, nhấn mạnh một số nội dung để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, văn bản trình cấp có thẩm quyền. Trong đó, Báo cáo tổng kết phải bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn đã khẳng định Nghị quyết 53 và Kết luận 27 là đúng hướng, đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố niềm tin với Đảng và Nhà nước. Trong tình hình, bối cảnh mới, căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn, cần xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết mới xứng tầm, phù hợp thực tiễn hơn về phát triển Vùng.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý những vấn đề trước mắt như cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, giá cả nguyên vật liệu tăng cao trên toàn cầu…; những vấn đề lâu dài như an ninh thông tin, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phân hóa giàu nghèo…
Về các định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược (xây dựng và hoàn thiện thể chế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số…).
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển Vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp trọng tâm. Theo đó, phát triển nhanh và bền vững kinh tế Vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch, phát triển và đẩy mạnh liên kết Vùng.
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt như ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng chỉ định và đánh giá miễn dịch cộng đồng; khắc phục các vấn đề liên quan tới y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là bảo đảm thuốc điều trị để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung triển khai các chương trình phục hồi và phát triển, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy các dự án trọng điểm của Vùng như đường vành đai 2, 3, chuẩn bị khởi động đường vành đai 4 Vùng thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, chủ động ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra.