Thủ tướng chủ trì họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường vàng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Chiều tối 16/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Cùng dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, chiều tối 16/5. Ảnh: thoibaonganhang.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, chiều tối 16/5. Ảnh: thoibaonganhang.vn

Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỉ giá trong nước chịu áp lực lớn

Tại cuộc họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát toàn cầu giảm chậm và cao hơn mục tiêu tại nhiều nước. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023, sản xuất công nghiệp, FDI và xuất nhập khẩu tăng cao, du lịch, dịch vụ diễn biến tích cực, xuất siêu 8,4 tỷ USD. Trong bối cảnh lạm phát các nước ở mức cao thì trong nước, lạm phát được kiểm soát, bình quân 4 tháng 2024 là 3,93% so với cùng kỳ 2023, góp phần vào sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, lạm phát có xu hướng tăng từ mức tháng 1 là 3,37% so với cùng kỳ 2023 lên 4,4% trong tháng 4 do yếu tố nền lạm phát năm ngoái thấp, kết hợp với tác động của giá xăng dầu, lương thực tăng theo giá thế giới và giá điện trong nước tăng.

Về điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện các giải pháp để tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả trong năm 2024.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 10/5/2024, dư nợ tín dụng là 13,83 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2023. Tín dụng đã có xu hướng tăng trưởng trở lại từ tháng 3/2024 đến nay sau 02 tháng đầu năm tăng chậm. Với thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Đối với điều hành lãi suất, trong các tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Kết quả, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các Ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024 (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 10/5/2024, giảm lần lượt 0,36%/năm và 1,04%/năm so với cuối năm 2023).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà. Ảnh: thoibaonganhang.vn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà. Ảnh: thoibaonganhang.vn

Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, đối với việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực lớn. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài.

Cụ thể, bên cạnh việc phát hành tín phiếu (từ ngày 11/3/2024) nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá, từ ngày 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Đến ngày 15/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã bán can thiệp 1,58 tỷ USD cho các tổ chức tín dụng. Việc điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá nêu trên cũng tương tự như các giải pháp được các Ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua. Từ đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 4,9% so với USD, tương đồng với xu hướng chung của thế giới; mức mất giá của VND ở mức trung bình và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng cho biết, thời gian qua, tỷ giá trên thị trường trong nước có xu hướng biến động mạnh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã tăng cường phối hợp trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm góp phần ổn định tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước đề nghị cân đối thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp để duy trì số dư tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước về các thông tin có liên quan đến tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước và mua lại trái phiếu Chính phủ. Công tác phối hợp nhằm mục tiêu kiểm soát được lượng tiền cung ứng ra thị trường, góp phần điều tiết giảm bớt dư thừa thanh khoản VND trên thị trường, qua đó giảm bớt sức ép mất giá lên VND.

Về quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường.

Từ 19/4/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thành công 04 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).

Điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lạm phát phù hợp với xu hướng giảm phát của thế giới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ.Ảnh: thoibaonganhang.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ.Ảnh: thoibaonganhang.vn

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, song ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; kinh tế tăng trưởng đạt khá; các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo; bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ được kiểm soát tốt; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, quốc phòng an ninh đảm bảo, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đánh giá tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, với phương châm phải phòng ngừa từ sớm, từ xa, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lạm phát phù hợp với xu hướng giảm phát của thế giới; sử dụng hợp lý các công cụ thị trường như bơm tiền ra - rút tiền về, can thiệp thị trường ngoại tệ phù hợp. Trong đó bơm tiền ra thì phải giảm lãi suất cho vay phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Cùng với đó, tiếp tục có giải pháp, tăng cường quản lý thu, tăng thu ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, không để tỷ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành tỷ giá về tiền gửi có thể linh hoạt; tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay; tăng cường số hóa; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 5-6% ngay trong quý II này; tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay 1-2%.

Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Nhà nước, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình có tính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, nhà ở xã hội; nghiên cứu phát hành trái phiếu, huy động mọi nguồn lực xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư vào các công trình, dự án hạ tầng, trước mắt cần huy động ngay khoảng 100 nghìn tỷ đồng phục vụ các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025; tập trung vốn cho các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhà ở xã hội…

Về điều hành thị trường vàng,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động triển khai ngay các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng phù hợp, kịp thời và hiệu quả hơn nữa; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thông tin, truyền thông phản ánh kịp thời, đúng tình hình, tạo đồng thuận trong xã hội; thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Nguồn: Tổng hợp

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-chu-tri-hop-ve-dieu-hanh-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-thi-truong-vang-179240516212231014.htm