Thủ tướng: CSGT cũng phải am hiểu Chính phủ điện tử
Nhấn mạnh trách nhiệm chung trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng dù là tổng cục trưởng, vụ trưởng hay CSGT đều phải am hiểu và triển khai được.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương sáng 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “xây dựng Chính phủ điện tử là một việc lớn”.
Ông đánh giá cao kết quả ban đầu đáng khích lệ trong xây dựng Chính phủ điện tử, giúp Việt Nam tăng 21 bậc theo xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế.
“Để đạt kết quả này, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm thì Chính phủ đóng góp rất quan trọng, bởi nếu tiếp tục làm thủ công, tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và giải quyết thủ tục thì có thể xảy ra tham nhũng vặt”, Thủ tướng nhận định.
Ngoài ra, một số kết quả khác đã đạt được như rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi; 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia…
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ nhận định khả năng đột phá xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là rất cao, có thể rút ngắn so với nhiều nước khác.
Bên cạnh đó, còn một số bất cập được Thủ tướng thắn thắn chỉ ra như cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ; một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm; nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”.
Định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%.
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định thay thế về công tác văn thư, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020.
Đề cập đến trách nhiệm chung trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng dù là tổng cục trưởng, vụ trưởng hay cảnh sát giao thông và những người đứng đầu nói chung đều phải am hiểu và triển khai Chính phủ điện tử.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhở xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đi liền với cải cách hành chính, giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí.
“Không để tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn”, Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng nền tảng để mọi người dân, mọi doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử.