Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ thỏa thuận thương mại cùng có lợi

Sáng 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự cuộc làm việc có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội và đại diện 50 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là cuộc gặp, làm việc lần thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp Hoa Kỳ chỉ trong vòng 2 tháng; thể hiện sự coi trọng doanh nghiệp, sẵn sàng trao đổi cởi mở, thẳng thắn, lắng nghe ý kiến xây dựng tích cực của đối tác Hoa Kỳ để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư, mở rộng và gặt hái thành công tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao thiện chí của Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã và đang phát triển tích cực, trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, kinh tế - thương mại - đầu tư là trụ cột quan trọng thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 134,6 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2024, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam ước đạt 11,94 tỷ USD với trên 1.400 dự án. Hầu hết các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đều đã hiện diện và đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam có 252 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ, tổng vốn đầu tư hơn 1,36 tỷ USD, xếp thứ 6/83 địa bàn đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN.

Cuộc làm việc nhằm lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc làm việc nhằm lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc làm việc, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đều đánh giá cao thiện chí của Chính phủ Việt Nam trong việc thường xuyên có các cuộc gặp, làm việc, lắng nghe, tháo gỡ các điểm nghẽn thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhờ đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trở thành "hòn đá tảng" trong quan hệ hai nước; Việt Nam trở thành một trong những đối tác lớn của Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, nhất là thời gian qua Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục và chi phí hành chính, đồng thời rút ngắn một phần ba thời gian giải quyết hồ sơ; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Gần đây, Việt Nam rất chủ động, tích cực để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, trong đó có việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu; giảm thuế quan nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ; giải quyết các vướng mắc cho các dự án Hoa Kỳ tại Việt Nam…

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng dự cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng dự cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại diện phía Hoa Kỳ đề nghị phía Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết một số vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, các rào cản phi thuế quan, vấn đề liên quan đến thuế, phí, lệ phí; đảm bảo điều kiện về hạ tầng như hạ tầng điện, hạ tầng công nghệ thông tin, logistics; tăng cường quản lý, giám sát doanh nghiệp đảm bảo tính minh bạch, xuất xứ hàng hóa; các đối tác Việt Nam khẩn trương thực hiện thỏa thuận (MOU) mà hai bên đã ký kết; giải quyết một số vấn đề tại các dự án cụ thể… Các doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ chia sẻ với khó khăn và cam kết hợp tác đầu tư bền vững, lâu dài, đồng hành cùng Việt Nam.

Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hành động cụ thể của Việt Nam để thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ

Cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp và chỉ đạo tiếp thu, giải quyết ngay và triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp Hoa Kỳ trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ.

Thủ tướng cũng chia sẻ về những hệ lụy lịch sử và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt, từ di chứng chiến tranh đến quá trình chuyển đổi kinh tế, đồng thời bày tỏ mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục đồng hành, hợp tác thực chất và hiệu quả trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ với Việt Nam.

Chia sẻ những kết quả nổi bật trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian qua, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã xây dựng hệ sinh thái phát triển mạnh tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các đối tác, doanh nghiệp, trong đó có đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, mang lại kết quả, lợi ích cho cả 2 bên.

Cùng với nỗ lực của Việt Nam trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện", Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ có tiếng nói tích cực với chính quyền Tổng thống D.Trump về nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, để phía Hoa Kỳ có giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể trong thúc đẩy hợp tác thương mại cân bằng, bền vững với Việt Nam, trên tinh thần hai bên cùng có lợi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; hai bên sớm đạt được thỏa thuận về thuế quan có lợi cả trước mắt và lâu dài cho cả hai bên, vì lợi ích nhân dân, doanh nghiệp hai nước, hai đất nước, hai dân tộc; cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp tục phát triển, bởi hai bên từng có kinh nghiệm để vượt qua các khó khăn, thách thức trước đây.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ và doanh nghiệp Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ và doanh nghiệp Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mong muốn đàm phán thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đạt tiến bộ, có lợi cho cả 2 bên và các nước khác

Chia sẻ về quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới hiện nay có nhiều biến động, đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải có giải pháp thích ứng.

Việt Nam không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và mong muốn mọi quốc gia phát triển thuận lợi, vì ổn định, hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; đặc biệt mong muốn không xảy ra chiến tranh thương mại, nhất là giữa các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc; mong muốn các nước thúc đẩy quan hệ hợp tác dựa trên luật lệ, thực hiện cam kết quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, không làm ảnh hưởng đến các nước khác; mong muốn đàm phán thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đạt tiến bộ với các thỏa thuận có lợi cho cả 2 bên và cho cả các nước trên thế giới.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, Việt Nam coi đây là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển nhanh, bền vững, tái cấu trúc thương mại theo hướng cân bằng, bền vững với tất cả các đối tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, không ảnh hưởng tới nước thứ ba; thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các đối tác, doanh nghiệp, trong đó có đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, mang lại kết quả, lợi ích cho cả 2 bên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các đối tác, doanh nghiệp, trong đó có đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, mang lại kết quả, lợi ích cho cả 2 bên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam đang tổ chức thực hiện "bộ tứ chiến lược" về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, về xây dựng và thực thi pháp luật, về phát triển kinh tế tư nhân. Việt Nam đang xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế; thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, với thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nguồn nhân lực thông minh.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và động lực của sự phát triển, Việt Nam đang xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển bộ máy chính quyền từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp, thiết lập các trung tâm hành chính công, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thủ tục trên môi trường mạng và không phân biệt địa giới hành chính, từ đó phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm: "Chính phủ giữ vai trò kiến tạo; người dân và doanh nghiệp là trung tâm; thể chế là động lực; hạ tầng là nền tảng" để "cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển". Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả bền vững tại Việt Nam.

Cho biết Việt Nam đã thực hiện và tiếp tục cải cách chính sách visa cho công dân nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có công dân Hoa Kỳ, Thủ tướng mong muốn Chính phủ Hoa Kỳ xem xét, có chính sách visa thuận lợi cho công dân Việt Nam.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thu-tuong-de-nghi-doanh-nghiep-hoa-ky-ung-ho-thoa-thuan-thuong-mai-cung-co-loi-164112.html