Thủ tướng đề xuất 6 nước hợp tác giao thông, kết nối đường sắt cao tốc
Tại Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 6 nước trong tiểu vùng Mekong hợp tác về giao thông, nhất là kết nối đường sắt cao tốc.
Chiều 25/12, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tham dự hội nghị có Thủ tướng, Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Ba năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng 6 nước vẫn triển khai tích cực và hiệu quả Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 - 2022, nhất là trong 5 lĩnh vực ưu tiên (gồm kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, quản lý nguồn nước, nông nghiệp và giảm nghèo).
Hội nghị thống nhất đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong - Lan Thương; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế họp, phối hợp chính sách, triển khai dự án để thúc đẩy Hành lang Đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương nhằm nắm bắt cơ hội phát triển từ tiến bộ khoa học công nghệ.
Hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác về chuyển đổi số, hải quan thông minh, biên giới thông minh và kết nối thông minh; chuyển đổi năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.
Các lãnh đạo nhấn mạnh ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong thông qua hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước.
Các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác Mekong - Lan Thương đã trở thành cơ chế quan trọng gắn kết các nước Mekong và Trung Quốc, là hình mẫu hợp tác cùng phát triển và cùng thắng.
Qua 7 năm hình thành và phát triển, MLC đã đạt được những thành tựu nổi bật với 3 nét lớn là: Cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện hơn; nội dung ngày càng thực chất hơn; tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân 6 nước ngày càng sâu sắc hơn.
Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.
Thủ tướng cho rằng, trước những chuyển đổi nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế thế giới, để 6 nước Mekong - Lan Thương vươn lên mạnh mẽ, cần một tư duy mới toàn diện hơn, cùng cách tiếp cận toàn dân, toàn khu vực, toàn cầu và những giải pháp mới, quyết liệt, sáng tạo, đột phá. Thủ tướng đề xuất 3 nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hiện đại và phát triển, với phương châm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng nước cũng như của cả 6 quốc gia; coi nội lực là cơ bản, chiến lược và ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Hợp tác Mekong - Lan Thương cần đưa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành trọng tâm hợp tác, trong đó tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua hợp tác về hạ tầng số, nhân lực số, an ninh số và kinh tế số. Khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng đề xuất hợp tác về giao thông, nhất là kết nối đường sắt cao tốc và nghiên cứu cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ.
Thứ hai, xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho người dân, theo Thủ tướng, 6 nước cần ưu tiên đầu tư cho phát triển con người, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế bao trùm, hỗ trợ lực lượng lao động trẻ tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại và tạo điều kiện để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Thứ ba, xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình và hợp tác, 6 nước cần không ngừng củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương. Tăng cường tính bổ trợ giữa hợp tác Mekong - Lan Thương với ASEAN và cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng khác để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tạo sự cộng hưởng và lan tỏa lợi ích...