Thủ tướng: Đổi mới sáng tạo phải lấy người dân làm trung tâm

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm.

Đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư cho phát triển.

Chiều 11/2 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị lần này được tổ chức ngay sau Hội nghị với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và hội nghị với các ngân hàng thương mại lớn.

Mục đích là nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số và triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế diễn ra tại Hà Nội chiều 11/2/2025 (Ảnh: VGP).

Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế diễn ra tại Hà Nội chiều 11/2/2025 (Ảnh: VGP).

Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương.

Vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng hiện nay về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao; nhận diện những khó khăn, thách thức cần vượt qua, khắc phục và những thời cơ và thuận lợi cần tranh thủ, tận dụng, phát huy; góp ý về các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, nhất là về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ tại Kỳ họp tháng 5.

Tinh thần là rất khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển; ví dụ các nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm mà mình đã sáng tạo, nghiên cứu ra...

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến về các nhiệm vụ bứt phá để chuyển đổi số thực sự là một động lực tăng trưởng, góp phần cải tạo tư liệu sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ.

Việc này cũng không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này.

Cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như Tập đoàn NVIDIA

Báo cáo về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trước hết cần tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các "điểm nghẽn" thể chế ngay trong quý I/2025.

Bên cạnh việc tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ông Dũng nhấn mạnh cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Cùng với đó, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…

Trong khi đó, phát biểu về mối liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ ra, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.

Theo ông, nếu không có đột phá trong phát triển các trường đại học thì không có đột phá trong phát triển nhân lực chất lượng cao và cũng khó có đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xác định cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu về mối liên kết giữa Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu về mối liên kết giữa Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ảnh: VGP).

Các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp) rất cần thiết cho họ.

Bên cạnh đó cần chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM; chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài...

Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành đưa vào chương trình công tác và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ này để cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Về phía Bộ GD&ĐT đang khẩn trương đánh giá để sửa đổi Luật Giáo dục đại học cũng như Luật Giáo dục nghề nghiệp trong năm nay.

Bốn nguy cơ, thách thức lớn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao đổi về những nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn để có những giải pháp vừa thúc đẩy phát triển, vừa đảm bảo an ninh, an toàn.

Theo ông, có 4 nguy cơ, thách thức lớn. Trước hết là sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của chúng ta chưa đến mức đột phá.

"Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, big data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ chảy máu chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng", ông nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng có phát biểu, trao đổi về những nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng có phát biểu, trao đổi về những nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn (Ảnh: VGP).

Thứ hai là hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. An ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.

Số vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam, rồi tội phạm kinh tế, công nghệ cao đang ngày càng gia tăng.

Trong khi phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chưa đủ biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Từ thống kê của Hiệp hội An ninh mạng và Hiệp hội Dữ liệu cùng thực trạng thời gian vừa qua, có những thứ chúng ta biết được là mất, có những thứ chúng ta sẽ không phát hiện được. Thách thức này liên quan đến vấn đề đầu tư, nghiên cứu.

Thách thức thứ ba Bộ trưởng Bộ Công an chỉ ra là nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

"Chúng ta phải thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, nhưng trong quá trình này, phải tránh gây bất lợi cho Việt Nam. Không phải chúng ta không quản được thì cấm, chúng ta không cấm, nhưng chúng ta phải có chính sách để làm chủ công nghệ, làm chủ được quá trình khai thác", Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Thứ tư là rủi ro về môi trường, xã hội, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên trong quá trình sản xuất công nghệ cao, nguy cơ bất ổn xã hội do sự chênh lệch, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và nhóm dân cư.

Từ đây, Bộ Công an đưa ra một số kiến nghị như phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia gắn với bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng.

Phải hoàn thiện chính sách quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ và sản phẩm công nghệ cao.

"Nghiên cứu làm chủ được rồi nhưng đưa vào thực tiễn để thực hiện rất khó. Chúng ta hiện nay đang đi mua, đấu thầu lựa chọn tất cả các thứ. Nếu chúng ta đặt hàng, nghiên cứu và có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào khoa học công nghệ", ông nói.

Kiến nghị thứ ba là phải tạo được bước đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Nếu không có chính sách đột phá thì con số này sẽ rất khó thực hiện. Cần một nguồn nhân lực rất lớn và không ai khác là chúng ta phải tự mình đào tạo", Bộ trưởng Bộ Công an cho hay.

Trong quý I, II/2025, rà soát tất cả nút thắt về cơ chế cho phát triển công nghệ

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, ông yêu cầu cần nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với tăng trưởng cao và bền vững.

"Điều này phải ngấm sâu vào tư tưởng, lời nói, hành động của từng cấp, từng ngành, từng người dân Việt Nam; lấy thành quả đã đạt được, người dân được thụ hưởng để tuyên truyền, nhất là về cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, quang điện tử…", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trong quý I và quý II/2025, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị.

Trong đó, khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ tại Kỳ họp tháng 5.

Thứ ba, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hóa, công nghiệp văn hóa, giải trí..

Bên cạnh đó là những biện pháp đa dạng hóa nguồn lực; đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đào tạo; quản trị phải thông minh, tối ưu hóa quản lý, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi, tiên tiến nhất.

Cuối cùng, ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cấp, viện, trường, nhà khoa học cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chủ thể, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của đất nước lên trên hết; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu cần phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm"; đã bàn là thông, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, hiệu quả, cụ thể, cân đong đo đếm được. Ai làm tốt phải khen thưởng, khuyến khích, ai làm không tốt phải đứng sang một bên.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-doi-moi-sang-tao-phai-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-192250211173838235.htm