Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng làm đường sắt liên tỉnh
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ làm đường sắt
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 21/2, Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đề nghị nếu phấn đấu tăng lên 15.000 tỷ đồng thì tốt hơn nữa.
Trước đó, báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.
TP Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến (tức là từ Lào Cai và từ Hải Phòng) để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.

Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện nay TP Hải Phòng có 2 bến cảng hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, thành phố sẽ khánh thành thêm 4 bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch phát triển các bến tiếp theo, cụ thể là bến số 7 và bến số 8. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất.
Do đó, để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, TP Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics và thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 70%, tương đương với tiến độ của các năm trước.
TP Hải Phòng đã nỗ lực giải quyết các công việc một cách trôi chảy, đảm bảo không xảy ra ách tắc, đặc biệt trong công tác sắp xếp và tinh gọn bộ máy hành chính. Nhờ đó, hiệu quả quản lý, điều hành của thành phố tiếp tục được nâng cao.
Về tăng trưởng kinh tế, trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2024, thành phố đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đạt tốc độ tăng trưởng 11,01%.

Các đại biểu nghe lãnh đạo TP Hải Phòng phát biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn. Dự báo, GRDP của thành phố trong quý I/2025 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý I thường chỉ đạt khoảng 10%.
Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của TP Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Về cơ sở để đạt được mục tiêu trên, vừa qua, Thủ tướng vừa phê duyệt Khu kinh tế ven biển phía Nam của thành phố với quy mô 13.000 ha. Đây là một dự án trọng điểm, góp phần mở rộng không gian phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Hiện nay, TP Hải Phòng đang tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án. Đồng thời, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng đang quan tâm, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thành phố.
Sau khi nghe phát biểu của lãnh đạo TP Hải Phòng, Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đề nghị nếu phấn đấu tăng lên 15.000 tỷ đồng thì tốt hơn nữa.
Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng hơn 14%
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%.
Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, Quảng Ninh chia sẻ cùng cả nước với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%.
“Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp HĐND ngày 26/2 tới đây. Khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng 12,5%, chúng tôi cũng thấy hết sức khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và đặc biệt là quy mô của tỉnh rất lớn. Hiện nay đã gần 347.000 tỷ đồng và nếu tăng trưởng 14% thì chúng tôi có mức tăng tuyệt đối hơn 48.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%. (Ảnh minh họa)
Quảng Ninh thực hiện chính sách lấy đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính.
Với đầu tư công, ngay từ đầu năm tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhanh nhất, sớm nhất với mục tiêu giải ngân 100% vốn, triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách, bổ sung nguồn lực chi đầu tư cho một số các dự án mới.
Với đầu tư ngoài ngân sách, đây được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định. Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư triển khai dự án, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên; thống kê các dự án còn vướng mắc và giao trách nhiệm tháo gỡ, phân công theo dõi, đánh giá thường xuyên.
Đối với các giải pháp phục vụ tăng trưởng cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh xúc tiến thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án mới, đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng phương án, lộ trình cụ thể thu hút đầu tư phát triển mới từ 2-4 khu công nghiệp, ít nhất là 5 cụm công nghiệp.
Đồng thời, tỉnh vẫn đảm bảo tính ổn định của các ngành truyền thống như ngành than, điện; thu hút du lịch bảo đảm doanh thu phải đạt hơn 55.000 tỷ đồng.
Quảng Ninh cũng húc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; nghiên cứu hoàn thiện không gian phát triển tổng thể khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục; tập trung đô thị hóa khu vực Thành Hồi để nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số kiến nghị gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến ngành than; một số dự án lớn tại địa phương, trong đó có Dự án khu du lịch phức hợp cao cấp tại Khu Kinh tế Vân Đồn. Đây là dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Đối với dự án này nếu được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất sẽ đóng góp vào tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo.