Thủ tướng Israel ra hầu tòa: Cuộc chiến sinh tử

Hôm 24-5, ông Benjamin Netanyahu đã trở thành thủ tướng tại nhiệm đầu tiên của Israel phải ra hầu tòa. Tuy nhiên, ở ngoài hành lang trước khi bước vào phòng xét xử và đối mặt với các tội danh nhận hối lộ, gian lận và bội tín, ông Netanyahu đã khẳng định mình vô tội.

Phiên xét xử diễn ra chỉ một tuần sau khi nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Israel tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ năm, sau khi đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực đầy bất ngờ với đối thủ chính của ông sau 3 cuộc bầu cử không đi tới kết quả cuối cùng chỉ trong vòng 1 năm. Ông Netanyahu nói rằng, vụ kiện chống lại ông là âm mưu của phe cánh tả nhằm lật đổ ông.

Những tội danh bị truy tố

Tháng 11-2019, ông Netanyahu, 70 tuổi, đã chính thức bị truy tố sau nhiều năm cảnh sát tiến hành điều tra. Trong số những tội danh ông Netanyahu phải đối mặt, có tội "đổi chác phi pháp" với các Cty truyền thông để các Cty này xây dựng hình ảnh tích cực của ông trên mặt báo. Ông cũng bị cáo buộc nhận xì gà, rượu sâm banh và các đồ trang sức trị giá khoảng 180.000 euro từ những người giàu có, để đổi lấy những đặc ân dành cho họ.

Trường hợp nghiêm trọng nhất là cáo buộc ông đã đề xuất những thay đổi lập quy đối với ông trùm truyền thông Elovitch trị giá hàng triệu USD để Cty viễn thông khổng lồ Bezeq của ông trùm này đưa những thông tin tích cực về ông Netanyahu trên trang tin tức trực tuyến Walla, Theo ông Amir Fuchs - một nhà nghiên cứu của Viện Dân chủ Israel, đây cũng là cáo buộc phức tạp nhất vì nó khác với những vụ hối lộ "kinh điển" khác khi tiền được trao tận tay. Ông Duchs nói rằng trong trường hợp này, cáo buộc đưa ra là ông Netanyahu "chỉ nhận được sự đưa tin tích cực trên truyền thông" chứ không phải vì tiền mặt và đó là điều "chưa từng có tiền lệ."

Ông Netanyahu xuất hiện tại Tòa án quận Jerusale, bên cạnh là một nhóm các bộ trưởng trong nội các thuộc đảng Likud cánh hữu của ông. Phiên xét xử kéo dài 1 giờ đồng hồ. Tòa án cho phép ông Netanyahu không phải trực tiếp xuất hiện trong phiên xét xử tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 19-7. Các nhà phân tích Israel cho rằng vụ việc có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

 Thủ tướng Netanyahu tại tòa. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Netanyahu tại tòa. Ảnh tư liệu

Dư luận chia rẽ

Trước khi phiên tòa diễn ra, ở ngoài hành lang, ông Netanyahu đã tìm cách thu hút sự ủng hộ của dư luận. Ông nói: "Những cuộc điều tra này ngay từ đầu đã là một sự thêu dệt và đồi bại. Với tư cách là thủ tướng của các bạn, ngày hôm nay tôi xuất hiện ở đây với tư thế hiên ngang và ngẩng cao đầu".

Vụ việc xét xử ông Netanyahu đã gây ra nhiều sự chia rẽ trong dân chúng. Trên đường phố ở Jerusalem, những người ủng hộ và phản đối ông Netanyahu đã tập hợp lại để bày tỏ tiếng nói của mình. Những người ủng hộ ông Netanyahu đã tụ tập bên ngoài tòa án ở phía Đông Jerusalem, hô vang khẩu hiệu "Bibi, Vua của Israel" (Bibi là biệt danh của ông Netanyahu). Còn những người phản đối Thủ tướng Netanyahu tập hợp phía bên ngoài dinh thự của ông ở trung tâm Jerusalem, giơ cao biểu ngữ "Thủ tướng tội phạm".

Chính phủ mới sẽ bảo vệ ông Netanyahu?

Khi Bộ trưởng Tư pháp Israel - ông Avichai Mandelblit - quyết định truy tố ông Netanayhu, nhiều nhà bình luận cho rằng đây sẽ là "án tử chính trị" đối với thủ tướng. Tuy nhiên, ông Netanyahu vẫn giành được vị trí lãnh đạo đảng Likud và thắng đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3 vừa qua.

Sau hai cuộc bầu cử chỉ trong vòng 1 năm mà không thể thành lập được chính phủ, cuộc bầu cử lần thứ 3 đã giúp ông đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với đối thủ chính là Benny Gantz. Theo thỏa thuận, ông Netanyahu sẽ tiếp tục lãnh đạo chính phủ trong 18 tháng và sau đó sẽ trao lại vị trí này cho ông Gantz.

Hãng tin Tân Hoa xã cho rằng, phải đối mặt với "cuộc chiến sinh tử," ông Netanyahu sẽ đấu tranh để sử dụng quyền lực của chính phủ mới như một thứ vũ khí hiệu quả nhất để bảo vệ ông. Gayil Talshir, một chuyên gia về nền dân chủ Israel làm việc tại khoa chính trị của Đại học Hebrew ở Jerusalem, cho rằng ông Gantz đang ngăn cản ông Netanyahu sử dụng quyền lực của mình trong chính phủ mới để xóa bỏ hoàn toàn vụ kiện. Theo chuyên gia này, nếu ông Netanyahu có thể thành lập được một chính phủ mà ông mong muốn, trong đó không có ông Gantz và chỉ bao gồm các đảng cánh hữu, thì họ có thể cho thông qua các luật nhằm ngăn chặn phiên tòa, ít nhất là chừng nào ông Netanyahu còn là thủ tướng đương nhiệm. Talshir nói: "Tôi cho rằng chúng ta sẽ nghe được nhiều phát biểu chống lại tòa án, các thẩm phán và cảnh sát từ các thành viên trong đảng của ông Netanyahu".

Chỉ vài phút trước khi phiên xét xử bắt đầu, trong bài phát biểu trước truyền thông, ông Netanyahu thông báo rằng người từng đứng đầu lực lượng cảnh sát Israel được ông bổ nhiệm đã phạm tội khi tiết lộ thông tin về cuộc điều tra thủ tướng. Ông cáo buộc quan chức này cùng các quan chức cảnh sát cấp cao khác có những hành động sai trái. Ông nói: "Những người này đã dẫn dắt các cuộc điều tra chống lại tôi. Tôi chắc chắn họ đã chủ tâm làm như vậy".

Ông Talshir cho rằng, nhân vật mới được ông Netanyahu bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa, vị trí lãnh đạo lực lượng cảnh sát, sẽ giúp ông Netanyahu đảm bảo rằng không có các cuộc điều tra mới chống lại ông.

Theo giới phân tích, một số bộ trưởng được chính phủ mới bổ nhiệm có thể không phù hợp với vị trí mà họ được giao, nhưng lại giúp ích cho ông Netanyahu trong vụ kiện chống lại ông.

Phiên tòa xét xử ông Netanyahu lẽ ra đã diễn ra từ giữa tháng 3, song đã bị trì hoãn vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Theo luật của Israel, một thủ tướng tại nhiệm không có quyền miễn trừ tự động khỏi bị truy tố, nhưng cũng không bắt buộc phải từ chức khi bị buộc tội, và chỉ phải làm như vậy khi bị kết tội và sau khi tất cả các biện pháp kháng cáo đã kết thúc.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thu-tuong-israel-ra-hau-toa-cuoc-chien-sinh-tu-194840.html