Thủ tướng: Khẩn trương nâng hạng TTCK, mở rộng kênh huy động vốn cho kinh tế tư nhân

'Khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và mở rộng kênh huy động vốn ổn định, chi phí thấp cho kinh tế tư nhân', Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW sáng 18/5.

Hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương tổ chức, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Tô Lâm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "2025 là năm bản lề , không tạo đột phá từ bây giờ, đất nước sẽ mất cơ hội vàng. Trong việc thực thi 3 nghị quyết, cần lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá".

Nghị quyết số 68-NQ/TW coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết đề ra các mục tiêu đến năm 2030 và 2045, với 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp mang tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ. Các giải pháp này bám sát ba đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực, hạ tầng) và nằm trong tổng thể bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết 68-NQ/TW.

Thủ tướng cho biết, trọng tâm của các nhóm nhiệm vụ là giải quyết những vấn đề then chốt đối với phát triển KTTN hiện nay, bao gồm: đổi mới tư duy; cải cách thể chế; cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển thị trường; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường sự lãnh đạo và giám sát của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị: “Phải phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu chính đáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc",

Cũng tại Hội nghị, doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco phát biểu: “Nghị quyết 68/NQ-BCT đã nói lên tất cả những vấn đề vướng mắc, những điều chúng tôi trăn trở. Nghị quyết 68, tôi cảm nhận như nắng hạn gặp cơn mưa rào".

Theo ông Tiền, đứng ở vai trò, góc độ doanh nghiệp tư nhân, những dồn nén, khó khăn, trói buộc từ cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân khiến ông và nhiều doanh nhân bao năm rất bức xúc.

“Chúng tôi muốn cống hiến nhưng do nhiều cơ chế không làm được. Nhiều lúc bị bó tay, bó chân”, ông Tiền nêu.

“Những điều đó nay đã được Bộ Chính trị “giải phóng” bằng Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân và nhiều Nghị quyết khác của Quốc hội, Chính phủ vừa ban hành ngày hôm qua để thực thi, hướng dẫn”, ông Tiền nói.

Theo ông Tiền, Nghị quyết với các quan điểm đột phá với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế tư nhân. Xóa bỏ triệt để định kiến về kinh tế tư nhân. Giới kinh tế tư nhân như ông Tiền khẳng định, đây là cuộc cách mạng toàn diện về giải phóng lực lượng sản xuất.

Vị doanh nhân cho rằng, các nội dung Nghị quyết 68 là quá tốt rồi, điều băn khoăn nhất là sắp tới thực thi ra sao. Ông Tiền đề nghị Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chính phủ nên giao cho một cơ quan độc lập để giám sát, đánh giá thực thi, tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp thực hiện tốt hơn.

Trả lời kiến nghị của doanh nhân, Thủ tướng khẳng định: Những băn khoăn về tổ chức thực hiện của doanh nghiệp là rõ, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và tổng kết. Những cái gì tốt rồi, tiếp tục phát huy, những gì chưa tốt phải khắc phục.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 68 đã phân công, giao việc rõ cho các bộ ngành.

Theo Thủ tướng: "Các việc trước đây chúng ta phải đấu thầu, đấu giá nhưng sắp tới sẽ thực hiện giao việc. Chúng tôi đã và đang giao việc rồi. Rất mong doanh nghiệp được giao việc có tinh thần đã hứa là phải làm, đã làm là phải có sản phẩm, cân đong đo đếm, lượng hóa được. Các cơ quan Nhà nước cũng thế”.

Thủ tướng khẳng định: Các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp. “Trong quá trình làm không cầu toàn, không nóng vội vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, lãnh đạo Chính phủ nói.

Báo cáo quán triệt Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ khẳng định ngày 4/5 khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ban hành, sau hơn 10 ngày, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP về Kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025.

Thủ tướng khẳng định, đây là yêu cầu trước hết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển KTTN. Trong đó, cần thống nhất nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về vị trí, vai trò của KTTN.

“Không để thể chế tiếp tục là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà là động lực thúc đẩy mạnh mẽ KTTN phát triển. Tinh thần đặt ra là phải đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"; khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quán giữa giữa các bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 68 cần thể hiện rõ chủ trương của Bộ Chính trị: Bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.

Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về tiếp cận đất đai, lãnh đạo Chính phủ khẳng định chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng.

Cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; dành tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng để cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê; giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu hoạt động và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuê nhà, đất là tài sản công…

Về vốn, ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại dành cho DNTN, nhất là DNNVV, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVVV ở cả trung ương và địa phương. Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và mở rộng kênh huy động vốn ổn định, chi phí thấp cho kinh tế tư nhân…

Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng, triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giám đốc điều hành trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu đến năm 2030 đào tạo được 10.000 giám đốc có kỹ năng quản trị tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Thủy Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thu-tuong-khan-truong-nang-hang-ttck-mo-rong-kenh-huy-dong-von-cho-kinh-te-tu-nhan-post369493.html