Thủ tướng: Mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, hàng giả, thành lập tổ công tác đặc biệt
Nhấn mạnh tầm quan trọng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt và phát động đợt cao điểm truy quét kéo dài một tháng trên toàn quốc nhằm đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thành lập tổ công tác đặc biệt
Tại cuộc họp sáng 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng; các địa phương thành lập tổ tương tự do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm Tổ trưởng, triển khai đợt cao điểm tấn công các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ ngày 15/5 đến 15/6.
Cuộc họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.

Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền... trong thời gian từ ngày 15/5-15/6 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe nhân dân, uy tín quốc gia và niềm tin xã hội.
Thủ tướng nêu rõ các nguyên nhân chính như: lãnh đạo, chỉ đạo ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu sát sao; quy định pháp lý còn bất cập; công tác tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, còn chồng chéo; chưa huy động đầy đủ sức mạnh toàn dân; nhận thức xã hội còn hạn chế; truyền thông, tuyên truyền còn yếu; hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng chưa được kiểm soát chặt. Thủ tướng lưu ý một số cán bộ có trách nhiệm lại vi phạm, điển hình là vụ nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt vi phạm
Thủ tướng đặt mục tiêu cụ thể là ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, tăng cường quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, huy động sự vào cuộc của nhân dân; là nhiệm vụ mang tính lâu dài, phải làm thường xuyên, toàn diện, không ngừng nghỉ.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khẳng định đây là vấn đề được người dân rất quan tâm, ảnh hưởng tới sức khỏe, quyền lợi nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh phải tạo chuyển biến đột phá trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa. Yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, không được buông lỏng quản lý, phải làm thường xuyên, toàn diện, kiên trì và hiệu quả. Việc này cũng phải gắn với quá trình sắp xếp địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy, phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp, ngành để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.
Sáu yêu cầu “rõ” và loạt giải pháp cụ thể
Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm. Đặc biệt, cần tạo chuyển biến đột phá trong phòng chống buôn lậu, hàng giả; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng thể chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, xử lý và khen thưởng đúng người, đúng việc.

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về tổ chức, Thủ tướng yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 các cấp; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động, đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Các lực lượng chức năng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các đường dây nóng để xử lý kịp thời phản ánh từ người dân; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin liên ngành.
Thủ tướng cũng yêu cầu siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại; gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu với hiệu quả công tác phòng chống vi phạm.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành
Bộ Nội vụ được giao rà soát lại chức năng, nhiệm vụ các cơ quan liên quan, tránh tạo kẽ hở pháp lý do sắp xếp bộ máy hoặc địa giới hành chính.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng xác lập chuyên án, xử lý nghiêm các vụ việc; phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, công khai kết quả trên các phương tiện truyền thông.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa siết chặt quản lý vi phạm trong lĩnh vực thuộc chức năng.

Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tham dự buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo quản lý thị trường xử lý vi phạm, đồng thời hoàn thiện thể chế thương mại điện tử, xây dựng các luật liên quan như Luật Thương mại điện tử, sửa đổi Luật Thương mại, các nghị định về xuất xứ hàng hóa...
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về sở hữu trí tuệ, xử lý các hành vi công bố sai sự thật, nhất là trong thương mại điện tử.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát thuốc giả, thuốc lậu, đặc biệt không để lọt thuốc không rõ nguồn gốc vào thị trường; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường hậu kiểm, sửa đổi quy định, siết chặt cấp phép.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra chất lượng lâm sản, thủy sản, giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để sử dụng hóa chất, chất kích thích tràn lan; đồng thời chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu nông sản.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được yêu cầu xử lý tình trạng lợi dụng uy tín cá nhân để quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên mạng xã hội.
Bộ Tư pháp phối hợp các bộ ngành hoàn thiện thể chế thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hợp pháp.
UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo quyết liệt lực lượng quản lý thị trường, đặc biệt tại vùng biên giới; cùng công an, biên phòng kiểm soát hoạt động buôn lậu qua biên giới, đồng thời phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa để giảm động cơ tiếp tay buôn lậu.
Các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động về công tác này, giải thích về tác hại của các hành vi vi phạm và huy động sức mạnh của người dân; đồng thời, rà soát, kiểm soát các hoạt động quảng cáo.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần phát động phong trào thi đua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ; đồng thời lưu ý, các cơ quan cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.