Thủ tướng: Mở rộng thị trường xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất tự cung, tự cấp. Làm được điều này phải mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Sáng 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho biết năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.

Trong thành tựu chung của cả nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, người nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023 (đạt kỷ lục); thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất tự cung, tự cấp. Làm được điều này cần phải mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất tự cung, tự cấp. Làm được điều này cần phải mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định, những thành tựu, kết quả này đã góp phần khẳng định tính đúng đắn chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh - đây là khát vọng rất lớn, là tinh thần tự hào dân tộc mà chúng ta phải thực hiện, khó mấy cũng phải làm.

"Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới" - Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, của nông dân với sự phát triển của đất nước. Năm qua, nông nghiệp vẫn phát huy vị trí, vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp

Trong thời gian tới, để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Thủ tướng đã nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng:

Trước hết, thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, việc tháo gỡ cơ chế, chính sách với khoán 10, khoán 100 trước đây đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỉ lệ hộ nghèo từ 67% đến nay chỉ còn 1,93%. Điều này cho thấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân, người tiêu dùng ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Thủ tướng và các đại biểu tham dự đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và các đại biểu tham dự đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vấn đề thứ ba là đất đai. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.

Vấn đề thứ tư là vốn và bảo hiểm. Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng-hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.

Vấn đề thứ năm là thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp nữa thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.

"Để du khách mua sản phẩm thì bao bì, đóng gói sản phẩm đó phải đi máy bay cũng được, tàu hòa cũng được, tàu biển cũng được, đi bộ cũng được…", Thủ tướng lấy ví dụ.

Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu bao bì, mẫu mã…

"Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất" - Thủ tướng nói.

Vấn đề thứ bảy là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn, ly nông mà không ly hương.

Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

"Vẫn là bài hát Trống Cơm, vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để thổi hồn vào từng làn điệu thì sẽ khác, sẽ trở thành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước, phải quốc tế các giá trị bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.

Thứ chín, hệ thống chính trị cơ sơ phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển.

Cùng tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu 8 giải pháp để giúp nông dân làm giàu:

Đầu tiên phải là quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất, hay nói cách khác là áp dụng công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất, để làm sao tạo ra được sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng ổn định và phù hợp với nhu cầu của thị trường; đây là vấn đề quan trọng nhất.

Thứ hai, phải tổ chức, hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất, từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ, nòng cốt là doanh nghiệp. Chỉ doanh nghiệp mới có thể chuyển sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa hay sang kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận thị trường. Chúng ta xác định thị trường 100 triệu dân cũng là thị trường lớn, làm sao sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta chứng minh được với người tiêu dùng Việt Nam là đảm bảo chất lượng. Chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong nước mang tính phổ biến, vùng miền là quan trọng nhất.

Thứ tư, hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại và thông qua quảng bá bán hàng trên môi trường điện tử; tổ chức các ngày hội mua hàng...

Thứ năm, hỗ trợ phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương hiện đang có hệ thống gồm hơn 60 cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc gỡ khó trong các vụ kiện thương mại. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ tốt vấn đề này.

Thứ sáu là hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các hiệp định thương mại tự do.

Thứ bảy, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Nếu không có cơ sở dùng chung thì chúng ta không áp dụng được công nghệ AI…

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị các địa phương, có hình thức kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái với du lịch; gắn du lịch với thương mại; gắn du lịch thương mại với xuất khẩu. Bộ Công Thương nhận thấy qua thực tiễn, tất cả các vấn đề nêu trên cần sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các bộ, ngành, mà rất cần tất cả các địa phương, vì trong chỉ đạo, điều hành không có vai trò cấp ủy chính quyền địa phương thì không làm được.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh lại, hiện nay hợp tác xã chỉ làm dịch vụ chứ không chỉ đạo, điều hành sản xuất. Mà chỉ đạo sản xuất phải là cấp ủy, chính quyền địa phương. Nếu kết hợp tốt bộ ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ mang lại hiệu quả cao.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-367241.html