Thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên 'vô điều kiện'
Do không có bất cứ cuộc thảo luận nào với Triều Tiên trong một năm trở lại đây, nay Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán 'thẳng thắn' với lãnh đạo Kim Jong-un mà không cần phải có điều kiện tiên quyết nào. Chương trình nghị sự là vụ bắt những người Nhật Bản của Bình Nhưỡng vào những năm 1970 và 1980.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông sẵn sàng gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "vô điều kiện" để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng có các tranh chấp lịch sử, tờ báo Nhật Bản Sankei Shimbun ngày 2/5 cho biết.
Ông Abe gần đây đã dịu lời đối với Bình Nhưỡng và kêu gọi một cuộc gặp với ông Kim để giải quyết tranh chấp rất nhạy cảm liên quan đến vụ bắt cóc các công dân Nhật Bản của các đặc vụ Triều Tiên trong những năm 1970 và 1980.
"Tôi muốn gặp Chủ tịch Kim Jong-un vô điều kiện và nói chuyện thẳng thắn với ông ấy với một tâm hồn cởi mở", Thủ tướng Abe nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sankei Shimbun.
"Điều rất quan trọng đối với đất nước chúng ta là phải chủ động trong việc giải quyết vấn đề này", ông nói thêm.
"Chúng ta sẽ chỉ vượt qua sự ngờ vực lẫn nhau giữa Nhật Bản và Triều Tiên nếu tôi gặp ông Kim trực tiếp. Tôi hy vọng ông ấy là một nhà lãnh đạo có thể đưa ra quyết định chiến lược và linh hoạt về những gì tốt nhất cho quốc gia của mình", ông Abe nói.
Trong quá khứ, Nhật Bản là một trong những cường quốc có quan điểm rất cứng rắn với Triều Tiên.
Nhưng trong vòng một năm qua, Nhật Bản gần như vắng mặt trong các cuộc thảo luận quốc tế về vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trong thời gian này, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo các cường quốc thế giới như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump và gần đây nhất là gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok.
Thủ tướng Abe nói với tờ báo Sankei Shimbun rằng ông đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Sáu tuần trước giúp ông giải quyết vấn đề bắt cóc người Nhật bởi các đặc vụ Bình Nhưỡng.
Vào năm 2002, Triều Tiên thừa nhận vụ bắt cóc 13 người Nhật để huấn luyện thành các điệp viên rồi gửi về Nhật hoạt động. Một tháng sau những lời thừa nhận này, năm người đã được phép trở lại Nhật Bản.
Tokyo cho rằng có ít nhất 17 vụ bắt cóc và nghi ngờ hàng chục vụ mất tích khác được thực hiện bởi tình báo Triều Tiên.
Vào tháng 1/2019, Thủ tướng Shinzo Abe từng đề xuất "phá vỡ xiềng xích về sự ngờ vực lẫn nhau" giữa đất nước ông và Triều Tiên, mong muốn gặp gỡ trực tiếp ông Kim Jong-un để thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhưng từ đó đến nay, Bình Nhương chưa có phúc đáp nào.
Nh.Thạch (Theo AFP)