Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28

Sáng 1/12 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu lịch trình dày đặc các hoạt động tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Thủ tướng kêu gọi tầm nhìn, tư duy, quyết tâm mới

Trong một ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới; đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu"; phát biểu tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); gặp lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ sẽ có cuộc tiếp Bộ trưởng Đầu tư UAE và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại UAE.

Thủ tướng trao đổi với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP 28 trước giờ khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng trao đổi với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP 28 trước giờ khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Chiều 1/12 theo giờ địa phương, trong chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu".

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cách đây hai năm, tại Hội nghị COP26, các quốc gia tham dự Hội nghị đã cùng nhau cam kết đạt phát thải ròng bằng "0", chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí metan, bảo vệ rừng và tăng cường khả năng thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường tự nhiên.

Chia sẻ với các đại biểu tham dự sự kiện huy động tài chính, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn.

Thủ tướng phát biểu tại sự kiện (Ảnh: VGP).

Thủ tướng phát biểu tại sự kiện (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thực hiện cam kết quốc tế là tới năm 2050 phát thải ròng bằng 0 để góp phần làm mát Trái Đất, cùng thế giới phát triển bền vững, ổn định, lâu dài. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam cần hỗ trợ về tài chính, hạ tầng, công nghệ, quản trị và nhân lực.

Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính sách với nhiều hành động triển khai cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" đến năm 2050, như đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia…

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều đề án quan trọng như chuyển đổi giao thông xanh, phát thải thấp; phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo…

Việt Nam đã xác định mục tiêu phát triển hệ sinh thái phù hợp để xây dựng nền công nghiệp tái tạo với tốc độ phát triển nhanh, bền vững.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên (cùng với Indonesia và Nam Phi) tham gia Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Tại COP28, Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, là nước đầu tiên công bố kế hoạch này.

Cùng với đó, Việt Nam đang triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo Thủ tướng, đây có thể là chương trình phát triển lương thực xanh duy nhất trên thế giới tính tới thời điểm này.

Thủ tướng khẳng định: "Những công việc trên cho thấy nỗ lực trong những năm vừa qua của Việt Nam vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa thực hiện các cam kết về giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu".

Hiện, Việt Nam đang có nền tảng kinh tế vĩ mô rất tốt để tạo dư địa phát triển trong những năm tới, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cần xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới và hành động quyết liệt hơn nữa, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới và sáng tạo hơn, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu một cách phù hợp thực tiễn và có hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị phát triển các quan hệ hợp tác đối tác, huy động hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; đổi mới các cơ chế tài chính khí hậu; quan tâm đào tạo nhân lực, đổi mới quản trị và phát triển hạ tầng số, hạ tầng xanh. Tinh thần chung là cơ chế, chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản trị phải thông minh.

Thủ tướng kêu gọi các tổ chức định chế tài chính, các quỹ phát triển, các quốc gia cùng đồng hành với Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng thành công, thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng thế giới chung tay bảo vệ Trái Đất, làm mát Trái Đất, phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam là đối tác vừa hấp dẫn, vừa đáng tin cậy để tiếp tục rót vốn

Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Standard Chartered cho biết, Tập đoàn này rất tự hào được đóng góp vào tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mới nổi, ưu tiên của Việt Nam như kinh tế số, kinh tế xanh; đánh giá cao cách tiếp cận sáng tạo của Việt Nam trong ứng phó thách thức chung về biến đổi khí hậu.

Ông đánh giá, những cam kết và nỗ lực đã triển khai cho thấy Việt Nam là đối tác vừa hấp dẫn, vừa đáng tin cậy để tiếp tục rót vốn.

Thủ tướng tiếp ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu điều hành Tập đoàn Standard Chartered (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng tiếp ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu điều hành Tập đoàn Standard Chartered (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Ông rất tâm đắc với những nội dung chia sẻ của Thủ tướng và mong muốn tiếp tục làm việc với các bên để hướng tới thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cùng nhau phát triển và tăng trưởng, giúp đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tiếp ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu điều hành Tập đoàn Standard Chartered.

Chia sẽ với lãnh đạo tập đoàn, Thủ tướng cho biết Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư được bảo đảm.

Các nhà đầu tư, trong đó có Standard Chartered, có thể yên tâm làm ăn kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Standard Charter tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam để triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong chuyển đổi năng lượng công bằng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến trao các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan Việt Nam và các đối tác quốc tế về phát triển xanh gồm:

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới

Bản ghi nhớ hợp tác giữa ngân hàng BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Tập đoàn SOVICO về tư vấn triển khai ESG và thu xếp nguồn vốn cho các dự án xanh

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Green Solutions

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và GuarantCo; bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và BIDV

Bản ghi nhớ hợp tác giữa ngân hàng Vietinbank và ngân hàng Nhật Bản MUFG

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và PAN

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Honeywell và The Green Solutions Việt Nam.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-bat-dau-cac-hoat-dong-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-cop28-192231201150538353.htm