Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn có một Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc
Chiều 1-7, tại Thủ đô Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng được vun đắp, phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, tạo cơ sở vững chắc, sâu sắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Văn hóa và du lịch luôn đồng hành, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.
Bộ VHTT&DT hai nước đã triển khai các thỏa thuận hợp tác văn hóa nói chung và hợp tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Thủ tướng nhận xét trong khoảng 30 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến xa trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. "Làn sóng Hàn Quốc" không chỉ mang lại những giá trị kinh tế lớn mạnh mà còn góp phần quảng bá hiệu quả thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế thông qua điện ảnh, âm nhạc, thời trang…
"Có lẽ không ngày nào trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương của Việt Nam không có các bộ phim Hàn Quốc", Thủ tướng nói và cho rằng kinh nghiệm và thành công của Hàn Quốc sẽ là những bài học quý báu đối với ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mới bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả khích lệ.
Thủ tướng cho biết, đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới đã căn dặn: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Đất nước Việt Nam có hơn 4.000 năm lịch sử, có nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc; đồng thời, tiếp thu và đóng góp tích cực vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Việt Nam đang tập trung xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau". Văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển. Văn hóa có bản sắc dân tộc sâu sắc. Văn hóa phải được thụ hưởng, tạo động lực, truyền cảm hứng bởi mọi người dân.
Về định hướng phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng cho biết, để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững" trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng", Việt Nam xác định phương châm "tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển", từng bước tạo dựng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với tinh thần đẩy mạnh quốc tế hóa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam.
Việt Nam mong muốn đồng hành và nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của Hàn Quốc trong quá trình xây dựng, triển khai các chiến lược, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa, nhất là trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, huy động nguồn lực, nguồn tài chính.
Nhắc tới câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", Thủ tướng đánh giá cao và vui mừng nhận thấy cùng với hợp tác về du lịch, quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng được vun đắp, phát triển mạnh mẽ.
Nhân dịp này, Thủ tướng ghi nhận và cám ơn những đóng góp quý báu của ông Lý Xương Căn trên cương vị Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và mong muốn ông cùng các cộng sự tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho quan hệ hợp tác phát triển du lịch hai nước. Thủ tướng trân trọng ghi nhận đóng góp của các tập đoàn Hàn Quốc đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, du lịch của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí tại Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, cơ quan du lịch quốc gia, chính quyền các địa phương, các hãng hàng không, công ty du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú, khách sạn, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng nhau đưa ra những chương trình hợp tác, dự án cụ thể, thiết thực để đưa hợp tác văn hóa và du lịch Việt Nam - Hàn Quốc lên một tầm cao mới, tạo ra giá trị, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tiếp tục chủ trì các trao đổi, thảo luận và nghiêm túc tiếp thu các đề xuất, ý kiến góp ý tại diễn đàn này để hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045...
Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cũng chứng kiến Hãng hàng không Vietjet kỷ niệm 10 năm mở đường bay tới "xứ sở Kim chi"; và công bố đường bay mới Daegu – Nha Trang; đồng thời chứng kiến 8 văn kiện hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Hàn Quốc, theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ.
Các văn kiện này gồm bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến du lịch Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn 2025-2026 giữa Cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc; 4 bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với 4 đối tác Hàn Quốc (Hana Tour, Interpark Triple, Mode Tour, Yellow Balloon Tour); bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy dịch vụ du lịch cao cấp và du lịch y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc; bản ghi nhớ hợp tác dự án nghiên cứu, kết nối thông tin và hợp tác hạ tầng thúc đẩy chính sách hoàn thuế cho khách du lịch nước ngoài…