Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia đồng chủ trì đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Indonesia

Sáng 13.1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo đã đồng chủ trì Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Indonesia.

Tại đối thoại, doanh nghiệp hai bên bày tỏ quan tâm về các chính sách phát triển kinh tế của hai nước; cơ chế chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực của hai nền kinh tế. Các đại biểu cũng chia sẻ về những xu hướng phát triển, đầu tư mới, các định hướng đầu tư trong thời gian tới; đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công chung của các doanh nghiệp mỗi nước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng, Indonesia và Việt Nam có tầm nhìn chung là phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện tầm nhìn đó, hai bên cần tăng cường đối thoại và hợp tác chất lượng cao. Indonesia có tiềm năng phát triển và đã mở sàn giao dịch carbon; đang thúc đẩy phát triển công nghiệp xe điện. Tổng thống Joko Widodo hoan nghênh và hy vọng các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sẽ hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa vào Indonesia, cùng Indonesia hiện thực hóa mục tiêu của mình, nhất là đầu tư vào khu vực thủ đô mới của Indonesia. Trong đó, mong muốn Vinfast mở rộng đầu tư vào lĩnh vực xe điện; Vietjet Air mở thêm các đường bay tới các điểm du lịch của Indonesia; Sovico group đầu tư các dự án du lịch, bất động sản; FPT Software đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Tổng thống Indonesia cũng mong muốn có nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Indonesia trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, giáo dục, khoa học công nghệ, chế tạo…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo đồng chủ trì Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Indonesia

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo đồng chủ trì Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Indonesia

Chia sẻ tầm nhìn của Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, với vai trò trong ASEAN, Indonesia cùng Việt Nam và các nước tăng cường đoàn kết trong khối ASEAN, vì sự phát triển của mỗi nước và vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới. Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm, nỗ lực của các doanh nghiệp hai nước trong hợp tác phát triển. Nhận định hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước, nhưng vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị và tầm vóc của hai nền kinh tế hai nước, cũng như mong muốn của hai bên, Thủ tướng nhấn mạnh, không có lý do gì mà doanh nghiệp hai nước không tìm hiểu cơ hội và tiếp tục kết nối, thúc đẩy đầu tư nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao và ý tưởng, mục tiêu của hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp Indonesia đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những dự án rất thành công, trở thành hình mẫu trong hợp tác kinh tế giữa hai nước; cho biết, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành kinh tế mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành mà Indonesia có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu khác như ngành Halal, nông nghiệp...; mong muốn doanh nghiệp Indonesia hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng tại Indonesia và toàn cầu.

Bày tỏ ủng hộ mong muốn của Tổng thống Joko Widodo về thu hút đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác cùng Indonesia để sớm đạt mục tiêu đề ra; đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Indonesia, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”, luôn lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp để xem xét tích cực, xử lý thỏa đáng các đề xuất của doanh nghiệp. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện có hiệu quả đích thực”.

Chiều cùng ngày, Tổng thống Joko Widodo đã rời Hải Phòng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

+ Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh; giải quyết các đề xuất để EVN phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Ngành Điện có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Ngành Điện có tính bao trùm, có ảnh hưởng, tác động đến tất cả các ngành, các cấp và toàn dân. Do đó, Ngành Điện phải phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị vận hành khoa học, phù hợp với điều kiện đất nước và người dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, vượt mọi dự báo, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu có hạn, độ mở lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hoạt động tại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hoạt động tại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Dương Giang

Ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tựu của Ngành Điện, cảm ơn đóng góp quan trọng của Ngành Điện vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế cần rút kinh nghiệm như: vẫn để xảy ra thiếu điện cục bộ; một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm; một số đảng viên, cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong Tập đoàn bị kỷ luật, xử lý…

Chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cả trong thành công và hạn chế, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người lao động Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên từng cương vị công tác của mình tự rà soát, đánh giá để rút ra các bài học kinh nghiệm và chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những khó khăn, hạn chế để đạt thành tích tốt hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngành Điện không được để xảy ra thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào; tổ chức quản lý, vận hành theo quy luật cạnh tranh, cung cầu, nhưng phải có chính sách ưu tiên, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tái cấu trúc Tập đoàn để vận hành theo quy luật thị trường, theo hướng cân đối được tài chính, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục được hạn chế, yếu kém, gắn với phòng, chống tiêu cực và bảo vệ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm.

Nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Tập đoàn Điện lực trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực chủ động phối hợp với các ngành bảo đảm khả dụng cao nhất của các tổ máy, bảo đảm vận hành ổn định, tin cậy; tính toán nhập khẩu điện phục vụ nhu cầu trong nước; vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam.

Thủ tướng chỉ đạo năm 2024, EVN phải bảo đảm hoàn thành các dự án lưới điện từ 110 - 500kV, trong đó tập trung mọi nguồn lực để thi công, phấn đấu hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối.

Về xây dựng, thực hiện các Chiến lược trung và dài hạn, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở các Chiến lược về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tập trung hoàn thiện xây dựng và thực hiện tốt chiến lược trung và dài hạn về phát triển năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển điện lực phù hợp với xu thế mới, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đi đầu trong thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng xanh, sạch, bền vững…

Thủ tướng chỉ rõ các nhóm giải pháp chủ yếu mà EVN cần thực hiện hiệu quả về: các nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các nhiệm vụ cụ thể giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm 2024; xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy và nâng cao chất lượng nhân sự; công tác quản trị của Tập đoàn; các giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Thủ tướng yêu cầu quản trị phải thông minh, tăng cường chuyển đổi số, vừa chống tiêu cực, giảm quy mô bộ máy; trong quản trị phải tiếp tục làm mới các động lực cũ, bổ sung các động lực mới cho sự phát triển như một số vấn đề liên quan chuyển đổi năng lượng sạch; những gì là xu thế thế giới hiện nay thì phải thực hiện; bảo đảm vận hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thật tốt, tránh phụ thuộc vào một đầu mối, tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng tính chủ động, tích cực.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây đều là những vấn đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; nhất trí xem xét giải quyết; giao Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành liên quan và EVN giải quyết theo thẩm quyền và quy định pháp luật; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo TTXVN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/thu-tuong-pham-minh-chinh-va-tong-thong-indonesia-dong-chu-tri-doi-thoai-doanh-nghiep-cap-cao-viet-nam---indonesia-i357487/