Thủ tướng: Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%) để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân; tạo không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế...

Phát biểu kết luận Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 tổ chức sáng 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến phát biểu nêu được những kết quả nổi bật, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kết luận bảo đảm "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền", làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc.

Khái quát một số kết quả nổi bật, Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, nhất là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước.

Thủ tướng đặc biệt biểu dương cán bộ, công nhân, người lao động trên các công trường; đồng thời cảm ơn nhân dân đã nhường mặt bằng cho các dự án, thể hiện lòng tin với Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng chiến lược, xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng thay mặt Chính phủ đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong công tác đầu tư công từ đầu năm đến nay. - Ảnh: VGP

Thủ tướng thay mặt Chính phủ đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong công tác đầu tư công từ đầu năm đến nay. - Ảnh: VGP

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, việc giải ngân đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc khắc phục.

Đến nay, vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 8 nghìn tỷ đồng, phải phân bổ hết trong tháng 5. Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân thấp.

Tiến độ giải ngân của một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương làm chủ quản còn thấp như dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; Gia Nghĩa - Chơn Thành; vành đai 4 TP. HCM; Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương…

Theo Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn cung nguyên vật liệu, giải ngân vốn ODA. Công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc còn lỏng lẻo; một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chờ đợi chỉ đạo. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm. Năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại một số nơi còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách ở cơ sở.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP

Rà soát, xử lý các cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ

Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn; tạo không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần khơi thông các nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển.

Chỉ rõ 6 nhiệm vụ tổng quát, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc tại đơn vị mình, tại công trường kịp thời, hiệu quả; triển khai, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đánh giá đầu tư công, nhất là dữ liệu về đất đai, môi trường và dữ liệu đánh giá các nhà thầu; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng; những dự án khó, phức tạp thì Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo; vận dụng sáng tạo các quy định, trong đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ có liên quan khẩn trương hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá, hoàn thành trước 15/6/2025.

Thủ tướng chỉ đạo tổ chức cuộc họp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan quy hoạch, các bộ ngành chủ động xử lý các vấn đề theo thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn về phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công tại địa phương khi thay đổi địa giới hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không để gián đoạn công việc.

Thủ tướng lưu ý công tác chuẩn bị đầu tư phải làm tốt hơn, đặc biệt là chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ sắp tới, tinh thần là dưới 3.000 dự án, bảo đảm không dàn trải.

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP

Về vốn ODA, Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất sửa đổi các nghị định, luật liên quan, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Về công tác đấu thầu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu để trình Quốc hội, đồng thời các cơ quan, địa phương phải tăng cường trách nhiệm để lựa chọn các nhà thầu có uy tín, năng lực, các Phó Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc này.

Về chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nội vụ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nếu vướng mắc thì đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết để xử lý.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn, thực hiên nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, nếu cần gì, vướng gì thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác công tư trong triển khai các dự án; riêng với các dự án mở rộng các tuyến cao tốc đã vận hành, mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp có đủ uy tín, năng lực, đã và đang làm tốt.

Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án cao tốc bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trên cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Các cơ quan chuẩn bị khen thưởng với những đơn vị, cơ quan, tập thể, cá nhân làm tốt trong dịp này.

Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, có 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường ven biển, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng…

Thủ tướng lưu ý, phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát lại các bộ ngành, cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt là nhiệm vụ giải ngân năm 2024 và các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao, nếu chưa hoàn thành phải xử lý, coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thu-tuong--quyet-tam-giai-ngan-100--von-dau-tu-cong-nam-2025-140668.htm