Thủ tướng Singapore: 'Không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đàm phán'
Thủ tướng Singapore Lawrence Wong ngày 8/4 cảnh báo, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu bùng nổ.
Phát biểu trước Quốc hội sáng nay 8/4, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh rằng tăng trưởng của một nền kinh tế phụ thuộc sâu sắc vào thương mại như Singapore chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế quan mới đến từ Nhà Trắng.
Quá sớm để nói Singapore sẽ rơi vào suy thoái hay không
Hệ quả, Singapore có thể sẽ phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 – hiện đang ở mức 1% đến 3%. Dù vậy, ông Lawrence Wong nói rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu Singapore có rơi vào suy thoái hay không.
“Dường như mức thuế đối ứng 10% đến từ Mỹ là cố định, không phụ thuộc vào cán cân thương mại hay các hiệp định thương mại hiện hành. Và hiện tại, không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đàm phán về mức thuế này,” The Straits Times trích lời phát biểu của Thủ tướng Lawrence Wong.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, ông Wong nhận định rằng “khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện trên toàn cầu đang tăng lên”, với hệ quả là tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn sẽ yếu đi và nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ của Singapore sẽ suy giảm rõ rệt.

Thủ tướng Lawrence Wong tại cuộc họp ngày 8/4. Ảnh: MDDI
Singapore tránh được các mức thuế cao hơn mà những quốc gia thành viên ASEAN khác phải gánh chịu. Campuchia bị áp thuế đối ứng lên đến 49%, tiếp theo là Lào (48%), Việt Nam (46%) và Myanmar (44%). Trong khi đó, Thái Lan bị áp thuế 36%, Indonesia 32%, Brunei và Malaysia đều ở mức 24%, Philippines 17%. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore vẫn phản đối mạnh mẽ mức thuế đối ứng 10%.
"Đây không phải cách những người bạn đối xử"
“Chúng tôi vô cùng thất vọng trước động thái này của Mỹ, đặc biệt là khi xét đến tình hữu nghị lâu dài và sâu sắc giữa hai quốc gia. Đây không phải là cách mà những người bạn đối xử với nhau,” ông Wong phát biểu, đồng thời khẳng định Singapore sẽ không đáp trả bằng các biện pháp thuế quan đối ứng.
Cuối cùng, Thủ tướng Lawrence Wong bày tỏ quan ngại về khả năng các doanh nghiệp sẽ rút khỏi Singapore để chuyển sang Mỹ nhằm tránh bị đánh thuế, điều này có thể gây ra tình trạng mất việc làm và sa thải hàng loạt trong nước.
“Chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để điều hướng qua giai đoạn sóng gió này và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau,” Thủ tướng Lawrence Wong cam kết.

Singapore chịu mức thuế đối ứng 10%, thấp nhất trong các quốc gia thành viên ASEAN. Ảnh: Nhà Trắng
Trước tác động từ thuế đối ứng của Mỹ, các nước ASEAN sẽ họp khẩn nhằm đảm bảo mạng lưới chuỗi cung ứng và duy trì lợi ích kinh tế khu vực vào ngày 10/4 tới đây. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz sẽ chủ trì cuộc họp này.
Thông báo từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết, cuộc họp dự kiến thảo luận về những tác động sâu rộng của các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực, sự ổn định kinh tế vĩ mô và phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực và cam kết lâu dài đối với một hệ thống thương mại cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận về cách giải quyết cũng như biện pháp nhằm giảm thiểu những gián đoạn đối với thương mại khu vực, mạng lưới chuỗi cung ứng và đầu tư xuyên biên giới.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, năm ngoái Mỹ ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa trị giá 2,8 tỷ USD với Singapore. Tuy nhiên, Reuters cho biết Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong vào tuần trước đã đưa ra con số cao hơn rất nhiều. Ông cho rằng thặng dư thực tế lên tới 30 tỷ USD trong năm 2024.