Thủ tướng: Thái Bình cần làm ngay tuyến đường 10 làn kết nối với Hưng Yên
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Thái Bình cần lấn biển để có không gian mới phát triển bứt phá. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu làm ngay tuyến đường 10 làn kết nối với Hưng Yên.
Sáng 12-5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình 4 tháng đầu năm 2025 và nhiệm kỳ 2020 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Thái Bình chưa phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội. Ảnh: VGP
Thái Bình đang dần chuyển mình
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, Thái Bình đang chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hiện đại.
Thời gian qua, kinh tế của tỉnh Thái Bình tiếp tục phát triển, các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng tốt, nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng bền vững.
Công nghiệp phát triển nhanh với động lực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện cũng có bước phát triển; công nghiệp năng lượng giải quyết được điểm nghẽn, đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện và đang tích cực triển khai Dự án điện khí LNG.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, đã thành lập mới 4 khu công nghiệp (Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP, Hưng Phú).
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Năm 2024, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 15; Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) xếp thứ 21; Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong top 30 cả nước.
Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có gần 12,5 nghìn doanh nghiệp, gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Trong 4 tháng năm 2025, vốn FDI đăng ký đạt trên 585 triệu USD, gấp gần 4 lần cùng kỳ.
Các dự án hạ tầng giao thông chiến lược tháo được điểm nghẽn, tiến hành khởi công như Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình đoạn qua Thái Bình, Nam Định, dự án tuyến đường bộ ven biển.
An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được nâng lên. Đáng chú ý, tỉnh đã quan tâm, tổ chức triển khai phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trong năm 2025", phấn đấu hoàn thành trước 20-6.
Thái Bình chưa phát huy hết tiềm năng
Phát biểu tại cuộc làm việc. Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến.
Phân tích thêm một số khó khăn, thách thức và hạn chế của tỉnh, Thủ tướng cho rằng Thái Bình chưa phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội; kinh tế chưa có bước phát triển bứt phá, đột phá. Quy mô nền kinh tế nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần đánh giá hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế của Thái Bình, từ đó có giải pháp phù hợp, mang tính điểm tựa, đòn bẩy để tăng trưởng trong năm 2025 đạt 2 con số và phát triển bứt phá trong 5 năm tới.
Chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần chủ động triển khai tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhấn mạnh việc Thái Bình sáp nhập cùng Hưng Yên sẽ tạo không gian, động lực phát triển mới, Thủ tướng yêu cầu sớm ổn định hoạt động các cơ quan, lưu ý bảo đảm thông suốt, hiệu quả dịch vụ công.
Nhất là dịch vụ công trực tuyến, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, chú trọng xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công, chuyển từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ.
Đồng thời, quyết tâm thực hiện tăng trưởng 2 con số. Tỉnh có nhiều điều kiện để thực hiện nhờ chính trị ổn định, nông nghiệp là một thế mạnh, xây dựng các khu công nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, xã hội. Làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng lưu ý tỉnh đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu, khai thác những mặt hàng đặc sản như bánh cáy, xôi kê…
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm các Nghị quyết của Bộ Chính trị về KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68).

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất với quy mô 10 làn từ khu vực TP. Hưng Yên tới khu vực TP. Thái Bình. Ảnh: VGP
Cùng với đó, kết nối nền kinh tế Thái Bình với vùng ĐBSH, với miền Trung, qua Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối với Trung Quốc, kết nối khu vực, kết nối quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu Thái Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính.
Cùng với đó, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo y tế, giáo dục. Quyết tâm về đích sớm trong phong trào "Cả nước xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025"; triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Cần lấn biển để có không gian mới cho kinh tế, hạ tầng, công nghiệp phát triển
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lấn biển để phát triển khu kinh tế, phát triển công nghiệp, bến cảng, hạ tầng; dành phần đất phía trong để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nghiên cứu, khai thác hiệu quả đất đai; phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình phải xong trong năm 2026.
Thủ tướng cơ bản đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trong đó có nội dung liên quan phát triển khu kinh tế Thái Bình, yêu cầu xây dựng đề án, dự án cụ thể để triển khai.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất với quy mô 10 làn từ khu vực TP. Hưng Yên tới khu vực TP. Thái Bình, từ đó kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Phát triển Đại học Y Dược Thái Bình thành trường Đại học Y Dược hàng đầu của Việt Nam
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương, đề nghị triển khai nhanh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa 1.500 giường và đề án phát triển Đại học Y Dược Thái Bình thành trường Đại học Y Dược hàng đầu của Việt Nam, tiến tới trình độ tiên tiến khu vực, đạt chuẩn quốc tế.
Với yêu cầu triển khai nhanh trong khoảng 2 năm, định hướng là bệnh viện thông minh, đại học thông minh, Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án này trong tổng thể triển khai Nghị quyết 57.