Thủ tướng: Triệt để phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực
Thủ tướng nhấn mạnh, cần triệt để phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống cơ sở. Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; thiết kế cơ chế giám sát kiểm tra và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.
Chiều 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch rà soát các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền thuộc phạm vi lĩnh vực của các bộ, cơ quan ngang bộ khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.
Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận về việc triển khai kế hoạch của Chính phủ xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; nghe công bố quyết định thành lập 3 tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng các nghị định trên.
Theo đó, việc xây dựng các nghị định ưu tiên tập trung vào các nội dung: Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, thể hiện nội dung phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP.
Thủ tướng nhấn mạnh, về nguyên tắc, phải quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Cùng với đó, rà soát từ Quốc hội, Chính phủ đến cấp xã để phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp nào sát thực tế, gần dân, sát dân, làm tốt hơn, hiệu quả hơn.
Các bộ ngành, cơ quan ở Trung ương giữ vai trò kiến tạo, tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ quản lý Nhà nước gồm: Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng thể chế, pháp luật để quản lý và kiến tạo phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để phát triển ngành, lĩnh vực nhanh, bền vững; thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đánh giá, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng lý luận, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; thực hiện công tác thi đua khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, chính xác, công bằng, hợp lý, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng các nghị định phải xác định rõ chủ thể, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục thực hiện và bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực để chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời yêu cầu Thường trực Chính phủ và Tổ công tác của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổ chức làm việc với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ về các nội dung, nhiệm vụ và dự thảo nghị định phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc và tổ chức thẩm định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo thời gian, chất lượng các nghị định trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 30/5; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các nghị định, Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ ban hành, bảo đảm thực hiện được ngay khi bộ máy mới vận hành và sau đó tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung dần.