Có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa

Chiều 17/5, phát biểu tại Tổ 9 về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, 3 nguồn thu chính của địa phương gồm xổ số kiến thiết, thu từ đất đai và doanh nghiệp nhà nước. Nếu các nguồn này đều về Trung ương thì các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa để bảo đảm cân đối.

Lưu ý một số vấn đề cốt lõi trong phân cấp, phân quyền

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là cho đầu tư phát triển, định hướng đến năm 2030, ngân sách Trung ương là chủ đạo chiếm khoảng 58 - 60% tổng ngân sách, ngân sách địa phương là chủ động và chiếm phần còn lại. Điều này nhằm tăng tính chủ động của địa phương trong quản lý và sử dụng nguồn lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các địa phương chủ yếu có ba nguồn thu chính gồm: xổ số kiến thiết, thu từ đất đai và doanh nghiệp nhà nước. Nếu Trung ương thu hết các nguồn này thì các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa để bảo đảm cân đối.

“Trước mắt, chỗ thu cấp quyền sử dụng đất đang định hướng theo tỷ lệ là 80% - 20% hoặc tỷ lệ 70% - 30%. Những địa phương có nguồn thu được tự cân đối thì được giữ lại 70%, đối với những địa phương khó khăn được giữ lại 80% và thậm chí có những địa phương có thể lên được đến 90%, chẳng hạn như những địa phương rất khó khăn, để có thêm nguồn cho các địa phương chủ động”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9. Ảnh: Trọng Quỳnh

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9. Ảnh: Trọng Quỳnh

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, các địa phương cũng cần chia sẻ với Trung ương vì nếu không có ngân sách Trung ương thì không có khả năng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình cũng như kết nối vùng trong thời gian tới như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao (như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ…).

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hồng Thái điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hồng Thái điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Cơ bản đồng tình với việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc phân cấp, phân quyền cần lưu ý đến một số vấn đề liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tiền tệ, những vấn đề cốt lõi thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp… Những vấn đề này cần được giữ lại ở cấp Trung ương xem xét, quyết định.

Tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý ngân sách

Góp ý về vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý ngân sách, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đại biểu đề xuất, Chính phủ quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương sao cho phù hợp với từng nhóm địa phương; đồng thời, bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 6 Điều 7 của dự thảo Luật về nâng mức hạn vay nợ của địa phương lên 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp để tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần có chính sách, giải pháp đột phá để các địa phương không phải liên tục xin Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, kiến nghị tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển, chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng tỷ lệ chi cho y tế ngang bằng với tỷ lệ chi cho giáo dục.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

Bên cạnh đó, để bảo đảm công bằng và khuyến khích các địa phương phát triển, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần có chính sách phân chia nguồn thu công bằng, tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đại biểu đề xuất giữ lại 100% nguồn thu cho các địa phương khó khăn để đầu tư phát triển; đồng thời, kiến nghị Chính phủ có cơ chế phân chia nguồn thu phù hợp với từng nhóm địa phương.

ĐBQH Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

ĐBQH Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

Liên quan đến các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, ĐBQH Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) cho rằng, hầu hết các địa phương chịu điều tiết ngân sách Trung ương hỗ trợ đều có kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị không phân chia tỷ lệ phần trăm điều tiết các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương "tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", được quy định tại khoản 2, Điều 35 dự thảo.

 ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

“Thực tế hiện nay đang phân cấp cho địa phương hưởng 100% nhưng tùy theo điều kiện của tỉnh thì có tỉnh điều tiết về tỉnh một phần, cấp huyện và xã chỉ được khoảng 70 - 80%. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay chỉ nên điều tiết đối với những địa phương có số thu ngân sách tự cân đối được”, đại biểu Hoàng Đức Chính nêu quan điểm.

 ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Trọng Quỳnh

Về nguyên tắc phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi được quy định tại Điều 9 của dự thảo, đại biểu đề nghị dự thảo Luật giao Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết cụ thể để trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sẽ bảo đảm việc quản lý, điều hành ngân sách địa phương được thông suốt.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-co-che-phan-chia-ty-le-nguon-thu-hop-ly-hai-hoa-10372773.html