Thủ tướng: Vận hành bộ máy phải 'đúng vai thuộc bài', ai làm tốt nhất, sát nhất thì giao
Theo Thủ tướng, việc vận hành bộ máy phải 'đúng vai thuộc bài', ai làm tốt nhất, sát nhất thì giao cho người đó, phân định rõ chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp; càng rõ thì càng dễ đánh giá, xác định trách nhiệm.
Sáng 12/2, ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Thảo luận tại Tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho ý kiến liên quan đến một số nguyên tắc trong sửa đổi, hoàn thiện các luật, một số điểm mới trong các dự thảo luật được trình Quốc hội.
Theo Thủ tướng, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy, để bộ máy tinh gọn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức…
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_94_51458281/8768f41ec3502a0e7341.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.
Thủ tướng cho rằng, việc vận hành bộ máy phải "đúng vai thuộc bài", ai làm tốt nhất, sát nhất thì giao cho người đó, phân định rõ chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp; càng rõ thì càng dễ đánh giá, xác định trách nhiệm. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát…
Đi vào cụ thể hơn, Thủ tướng khẳng định, hiện quy trình phối hợp giữa các cơ quan đang rất tốt, chặt chẽ, hiệu quả, song khi trình một đề án, dự án luật ra Quốc hội thì phải làm rõ hơn nữa cơ quan trình Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Khi cơ quan trình và cơ quan thẩm tra có ý kiến khác nhau thì xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, theo quy chế của Đảng. Phải phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và quy trình xây dựng để rõ trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng nhưng vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
![Theo Thủ tướng, các quy trình ra quyết định phải nhanh trên tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_94_51458281/982ce05ad7143e4a6705.jpg)
Theo Thủ tướng, các quy trình ra quyết định phải nhanh trên tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công.
Vấn đề thứ hai được Thủ tướng đề cập là xây dựng, ban hành chính sách như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh diễn biến cuộc sống rất nhanh. Thực tiễn cũng đặt ra nhiều bài học, kinh nghiệm như trong phòng chống dịch COVID-19, cơn bão Yagi (bão số 3 năm 2024) với nhiều quyết sách rất khó khăn, cân não.
Vì vậy, những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số ý kiến đồng tình thì chúng ta luật hóa, tiếp tục thực hiện. Còn những gì còn biến động, nhất là những vấn đề kinh tế thì trao quyền cho cơ quan hành pháp, trên cơ sở đó mới xử lý linh hoạt, kịp thời và báo cáo lại Quốc hội, UBTVQH.
Thủ tướng dẫn ra hàng loạt ví dụ cụ thể, sinh động từ thực tiễn "muôn hình muôn vẻ" như phòng chống dịch COVID-19, trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt trong siêu bão Yagi, cho thấy nhiều vấn đề không dự báo hết được khi xây dựng luật, khi ban hành điều luật mới cần đánh giá tác động nhưng đó cũng chỉ là dự báo.
Vì vậy, quy định trong luật cần mang tính khung, tính nguyên tắc; nếu cần thì cho thí điểm và trên cơ sở thí điểm thì nghiên cứu đưa vào luật; để dư địa cho cơ quan hành pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả, để không gian cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Một vấn đề khác được Thủ tướng đề cập là các quy trình ra quyết định phải nhanh trên tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công. Do đó, cùng với việc lấy ý kiến nhân dân, đối tượng tác động khi xây dựng các dự án luật, cần coi trọng việc tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn.
Thủ tướng đơn cử, trong bão Yagi tại Lào Cai, khi nhận thấy nguy cơ khẩn cấp, người dân có thể gặp nguy hiểm do sạt lở đất, trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã quyết định di dời người dân. "Người dân an toàn thì không sao, nhưng nếu không may trong quá trình di chuyển lại vào chỗ sạt lở mà người dân bị vùi lấp thì trưởng thôn thành tội đồ. Nhưng cách làm của ông rất sáng tạo, rất vô tư và ông sẵn sàng chịu trách nhiệm. Thế thì luật pháp phải bảo vệ những người như ông ấy", người đứng đầu Chính phủ phát biểu.