Thủ tướng: Nghị quyết không có tính pháp quy, ban hành không ai dám làm
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi có những vấn đề cá biệt, Chính phủ có thể họp trong 1 tiếng hay ngay trong đêm để quyết, nhưng nếu nghị quyết ban hành không có tính pháp quy thì không ai dám làm.
Cần xây dựng, ban hành chính sách để đáp ứng thực tiễn biến đổi rất nhanh
Tại phiên thảo luận tổ sáng 12/2, khi cho ý kiến về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nguyên tắc trong sửa đổi, hoàn thiện các luật, một số điểm mới trong các dự thảo luật được trình Quốc hội.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_30_51459343/fc9556ce618088ded191.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp tổ.
Thủ tướng cho rằng theo quy luật, trong quá trình phát triển luôn phát sinh ra các mâu thuẫn mới buộc chúng ta phải giải quyết thì mới tiếp tục phát triển được. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật là bình thường.
Yêu cầu đặt ra là làm sao quy định đơn giản, dễ hiểu và giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Theo ông, lần này, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy, để bộ máy tinh gọn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức…
"Đây là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và chúng ta làm sắp xong, cố gắng trong tháng 2 hoàn thành tất cả các công việc để tháng 3 tổ chức, cơ cấu mới bắt đầu vận hành và chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp.
Tất nhiên, khi bộ máy, tổ chức, cơ cấu mới đưa vào vận hành sẽ có những vấn đề trơn tru, thuận lợi nhưng cũng có vướng mắc, trục trặc, khó khăn thì chúng ta phải giải quyết", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
![Toàn cảnh cuộc thảo luận tại tổ 8.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_30_51459343/062bb170863e6f60362f.jpg)
Toàn cảnh cuộc thảo luận tại tổ 8.
Nhấn mạnh tinh thần vận hành bộ máy phải "đúng vai thuộc bài", Thủ tướng cho rằng ai làm tốt nhất, sát nhất thì giao cho người đó, phân định rõ chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp; càng rõ thì càng dễ đánh giá, xác định trách nhiệm.
Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm…
Một vấn đề khác Thủ tướng đề cập là xây dựng, ban hành chính sách như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh diễn biến cuộc sống rất nhanh, như trong chưa đầy một tháng qua, tình hình thế giới đã có nhiều đảo lộn.
Hay như trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Chính phủ phải đưa ra quyết định cân não, cần ban hành nghị quyết để đưa ra chính sách giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó vì "chết người thì không thể không làm".
Còn trong siêu bão Yagi vừa qua, thực tiễn đặt ra câu hỏi liệu có phá đập Thác Bà hay không, có di dân hàng chục nghìn người trong đêm hay không, do đó phải có người quyết định.
Vì vậy, theo Thủ tướng, những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số ý kiến đồng tình thì chúng ta luật hóa, tiếp tục thực hiện.
Những gì còn biến động, nhất là những vấn đề kinh tế thì trao quyền cho cơ quan hành pháp, trên cơ sở đó mới xử lý linh hoạt, kịp thời và báo cáo lại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tạo không gian sáng tạo và bảo vệ cán bộ vô tư, không vụ lợi
Trao đổi về việc bổ sung nghị quyết của Chính phủ có giá trị pháp quy trong dự thảo luật, Thủ tướng cho biết, trước đây, nghị quyết của Chính phủ có giá trị là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng sau đó luật quy định nghị quyết của Chính phủ không có tính pháp quy, bù lại là các nghị định được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Song, thực tế cho thấy, khi có những vấn đề cá biệt, phải xử lý ngay, Chính phủ có thể họp trong 1 tiếng hay ngay trong đêm để quyết định, nhưng khi ban hành văn bản ra mà không có tính pháp quy thì không ai dám làm, như trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
![Theo Thủ tướng, quy định nghị quyết của Chính phủ có giá trị pháp quy là rất cần thiết.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_30_51459343/ca2d7f764838a166f829.jpg)
Theo Thủ tướng, quy định nghị quyết của Chính phủ có giá trị pháp quy là rất cần thiết.
Trong khi đó, nghị định dù ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn vẫn phải mất nhiều thời gian, quy trình hơn.
"Thực tiễn đặt ra những vấn đề cụ thể, cấp bách trong một thời gian ngắn thì chúng ta phải giải quyết, xử lý ngay, do đó quy định nghị quyết của Chính phủ có giá trị pháp quy là rất cần thiết", Thủ tướng nhận định.
Người đứng đầu Chính phủ dẫn ra hàng loạt ví dụ cụ thể, sinh động từ thực tiễn "muôn hình muôn vẻ" như phòng chống dịch Covid-19, trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt trong siêu bão Yagi, cho thấy nhiều vấn đề không dự báo hết được khi xây dựng luật.
Khi ban hành điều luật mới, cần đánh giá tác động nhưng đó cũng chỉ là dự báo. Vì vậy, quy định trong luật cần mang tính khung, tính nguyên tắc.
Nếu cần thì thí điểm và trên cơ sở thí điểm thì nghiên cứu đưa vào luật, để dư địa cho cơ quan hành pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả, để không gian cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm.
"Chẳng hạn việc tách giải phóng mặt bằng trong thực hiện dự án là đúng và hợp lý thì luật hóa", ông lấy ví dụ.
Một vấn đề khác được Thủ tướng đề cập là các quy trình ra quyết định phải nhanh, coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công.
Đơn cử, trong bão Yagi tại Lào Cai, khi nhận thấy nguy cơ khẩn cấp, người dân có thể gặp nguy hiểm do sạt lở đất, trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã quyết định di dời tất cả dân làng.
Thủ tướng đặt ra tình huống: "Nếu trong quá trình di chuyển có chỗ sạt lở mà chết hết cả người dân thì sao? Người dân an toàn thì ông là anh hùng, nhưng nếu không may trong quá trình di chuyển lại vào chỗ sạt lở, người dân bị vùi lấp, ông trưởng thôn sẽ thành tội đồ.
Nhưng đó là cách làm sáng tạo và trưởng thôn thấy người dân ở chỗ nguy hiểm nên sẵn sàng huy động cả làng đi, chấp nhận rủi ro, chịu trách nhiệm khi di dời người dân", Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần phải bảo vệ những người sáng tạo, không vụ lợi như vậy.