Thủ tướng: Việt Nam ưu tiên các dự án thúc đẩy chuyển đổi số

Khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài tại WEF ở Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, định hướng của Việt Nam là ưu tiên các dự án thúc đẩy chuyển đổi số, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Sáng 26/6, tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận theo hình thức ăn sáng làm việc với GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF.

Trọng tâm của phiên thảo luận là tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam; tập trung vào chuyển đổi số, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và vai trò Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận theo hình thức ăn sáng làm việc với GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận theo hình thức ăn sáng làm việc với GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF. Ảnh: Dương Giang

Các ý kiến đánh giá cao tốc độ tăng trưởng, phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện của Việt Nam, đặc biệt là kinh tế số năm 2023 đã chiếm khoảng 16% GDP.

GS. Klaus Schwab cho biết, WEF rất vui mừng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam - ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới.

Ông Brand Cheng, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Foxconn nhắc lại tại cuộc gặp vào tháng 1 năm ngoái, ông đã báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã sản xuất vào tháng 4 vừa qua. Đây là ví dụ cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế.

Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã hiện diện tại 5 tỉnh với 80.000 nhân viên và tổng đầu tư khoảng 4 tỷ USD. "Việt Nam đang phát triển nhanh và chúng tôi phát triển cùng Việt Nam", ông nói.

Tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại một số nét lớn của tình hình thế giới hiện nay khi hậu quả đại dịch Covid-19 còn kéo dài; các yếu tố xung đột, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu… ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, năm 2023, GDP Việt Nam đạt 5,5% và năm 2024, quý 1 đạt 5,66%, quý 2 ước đạt cao hơn quý 1 và tiếp tục xu hướng tăng cao hơn trong nửa cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF. Ảnh: Dương Giang

Chia sẻ những định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, với các nhóm giải pháp lớn. Cụ thể là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và đẩy mạnh đầu tư công.

Việt Nam tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Trong đó, xác định thể chế cũng là nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Việt Nam phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số…) và hạ tầng mềm.

"Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng và có chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và tình hình, xu thế thế giới", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp làm rõ thêm một số nội dung được nhà đầu tư quan tâm. Liên quan tới cung ứng điện, Thủ tướng cho biết năm 2023, Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, mặc dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỷ kWh, cao nhất trong lịch sử, song cung ứng điện vẫn được bảo đảm.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện, với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện. Đơn cử như tải điện, các đường dây 500 kV trước đây phải làm trong 2 năm, thậm chí 4 năm, nhưng hiện nay chỉ mất khoảng 6 tháng.

Với nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai… đối với dự án ưu tiên.

Mặt khác, định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Bắc Kinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Bắc Kinh, bắt đầu các hoạt động tại Trung Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Trưa 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rời Đại Liên đến thủ đô Bắc Kinh. Đón Thủ tướng tại sân bay có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai và một số cán bộ đại sứ quán.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-viet-nam-uu-tien-cac-du-an-thuc-day-chuyen-doi-so-2295482.html