Thủ tướng: Xóa toàn bộ nhà dột nát, lập Quỹ nhà ở xã hội trong năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2025, phải cơ bản xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội, thành lập 'Quỹ nhà ở xã hội quốc gia' để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 5/5, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước một số nội dung chủ yếu về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2025.
Hơn 2.000km cao tốc được đưa vào khai thác năm 2024
Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, tốc độ tăng GDP đạt 7,09%, năng suất lao động ước tăng 5,88%, xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD.
Phát triển kết cấu hạ tầng có bước đột phá rõ nét với nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia được hoàn thành, đưa vào khai thác. Tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm, đẩy mạnh phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc.
Năm 2024 đưa vào khai thác thêm 109km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.021km; đã khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và khởi công thêm 2 dự án nâng cấp các tuyến đường hiện hữu lên tiêu chuẩn cao tốc.
Đã đẩy nhanh tiến độ thi công trong năm 2024 để phấn đấu đưa vào khai thác trong năm 2025 các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Gia Bình, nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài.
Chính thức đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào 9/11/2024 và khai thác tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa, kinh tế đô thị.
Đến nay có 112 dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án kết nối vùng, liên vùng với số vốn 238.127 tỷ đồng được phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện.
Công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch tiếp tục được đẩy nhanh. Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được hoàn thiện và đưa vào triển khai. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2024 đạt 44,3%. Năm 2024, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 96%.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội Media).
Khởi công, khánh thành 80 dự án trọng điểm đầu năm 2025
Năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia với tinh thần làm việc "ba ca, bốn kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, chất lượng cao nhất và không để đội vốn.
Nhờ đó, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 – 2025. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm.
Đáng chú ý, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội…
Trong đó, đồng loạt khởi công, khánh thành 80công trình dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...
Trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự án Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (giai đoạn 1); thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt; đẩy mạnh triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...
Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ).

Để thực hiện mục tiêu phát triển KTXH thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm. (Ảnh: Media Quốc hội).
Chú trọng thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng; thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm; các tổ chức uy tín đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực.
Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để".
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính.
Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án quan trọng, động lực khác, phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Hoàn thành thủ tục và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn Vinh - Thanh Thủy); cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và cảng Hòn Khoai;…
Đặc biệt, trong năm 2025, phải cơ bản xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội. Thành lập “Quỹ nhà ở xã hội quốc gia” để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ.
Sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”, giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2024 đã xóa trên 76.000 nhà tạm, nhà dột nát
Theo Thủ tướng, năm 2024, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân được bảo đảm với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đời sống người dân được nâng lên; tập trung khắc phục hiệu quả bão Yagi; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong năm 2024 đã hỗ trợ xóa trên 76.000 nhà tạm, nhà dột nát. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ được “trong ấm, ngoài êm”, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.