Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng

Để cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng.

Ngày 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý thị trường vàng. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ thời gian qua, thị trường vàng bộc lộ nhiều bất cập, điển hình là tình trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, có thời điểm vượt trên 10%. Một số doanh nghiệp bị cho là có biểu hiện thao túng, găm hàng, đẩy giá, trong khi hoạt động buôn lậu vàng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý tại một số thời điểm, một số nơi còn lỏng lẻo, chưa theo kịp cơ chế thị trường và thực tiễn điều hành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu quản lý thị trường vàng trong thời gian tới là kiểm soát hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, cần có chính sách phù hợp để khai thác nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thao túng hay buôn lậu vàng.

Về các giải pháp trước mắt, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống còn 1-2%, thay vì mức quá cao như hiện nay. Đồng thời, cần tăng nguồn cung vàng thông qua mở rộng doanh nghiệp tham gia thị trường, giảm cầu bằng các giải pháp phù hợp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như buôn lậu, găm hàng, thao túng thị trường.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu sớm sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo trình tự rút gọn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, hoàn thành trong tháng 6/2025. Cùng với đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về thị trường vàng, cũng phải hoàn thành trong cùng thời gian.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng tạo điều kiện để người dân được tự do giao dịch, mua bán minh bạch, thuận tiện. Đồng thời, cần tách bạch rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng; đẩy mạnh phát triển ngành chế tác vàng trang sức nhằm tạo thêm việc làm; tăng cường truyền thông để giảm tâm lý tích trữ vàng trong dân; và nghiên cứu triển khai hệ thống xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong kinh doanh vàng nhằm tăng cường tính minh bạch.

Những chỉ đạo này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc lập lại trật tự thị trường vàng, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần định hướng dòng vốn của người dân vào các hoạt động sản xuất, đầu tư thay vì tích trữ tài sản thụ động.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, vàng là loại hàng hóa đặc biệt, mang chức năng tích trữ và bảo toàn giá trị, chứ không chỉ dùng để chế tác trang sức. Với tâm lý phòng ngừa rủi ro cao, người dân Việt Nam có nhu cầu lớn trong việc sở hữu, mua bán vàng miếng.

Ông Cường cho rằng, nếu vàng được đưa vào giao dịch công khai trên sàn, thông tin thị trường sẽ minh bạch, giúp người dân ra quyết định chính xác hơn và Nhà nước dễ kiểm soát hơn. Đặc biệt, nếu có sàn giao dịch vàng tài khoản, Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế, tạo điều kiện mua bán vàng mà không cần nhập khẩu vật chất, qua đó thu hẹp khoảng cách giá trong nước và thế giới.

Khi xây dựng sàn vàng cần xác định rõ mô hình: sàn sơ cấp dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, có liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp phục vụ nhu cầu mua bán lẻ trong nước, giúp phòng ngừa rủi ro cho người dân.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thu-tuong-yeu-cau-nghien-cuu-hinh-thanh-san-giao-dich-vang-727928.html