Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết vấn đề tại nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, lộ trình xử lý, đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề liên quan nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của PVN trong thời gian qua. Thủ tướng chia sẻ với rất nhiều khó khăn, thách thức của Tập đoàn. Trong đó, có những vấn đề có thể giải quyết được ngay, nhưng cũng có những khó khăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể chế, cơ chế, chính sách và liên quan tới nước ngoài. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung cùng với PVN và các bộ, ngành, cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề này một cách tích cực nhất.

Thủ tướng lưu ý, phải nắm chắc tình hình, vừa xử lý các vấn đề cụ thể, thường xuyên, vừa chuẩn bị cho vấn đề lâu dài và vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý, phải nắm chắc tình hình, vừa xử lý các vấn đề cụ thể, thường xuyên, vừa chuẩn bị cho vấn đề lâu dài và vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh một số tư tưởng chỉ đạo quan trọng cần quán triệt, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trong đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội…

Đáng lưu ý, năm 2022, tình hình địa chính trị, địa kinh tế, cạnh tranh chiến lược đang diễn ra hết sức phức tạp, khó dự đoán, liên quan trực tiếp tới hoạt động dầu khí; những địa bàn, đối tượng mà PVN đang hợp tác đều chịu tác động bởi những yếu tố này. Do đó, Thủ tướng yêu cầu PVN phải nhanh chóng thích ứng tình hình và linh hoạt xử lý các vấn đề cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng.

Thứ hai, phải chủ động đẩy mạnh khai thác, tập trung lực lượng, lãnh đạo, chỉ đạo, tận dụng tối đa tất cả những gì thuận lợi nhất hiện nay, đây là thời cơ mà nếu tranh thủ được tốt nhất, hiệu quả nhất thì sẽ hóa giải được những khó khăn, thách thức. Đây cũng là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngay từ cuối quý III năm 2021, với dự báo khi dịch bệnh được kiểm soát thì việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong nước và quốc tế sẽ dẫn tới nhu cầu cao về năng lượng.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo tình hình sản xuất dầu khí 2 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo tình hình sản xuất dầu khí 2 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý, phải nắm chắc tình hình, vừa xử lý các vấn đề cụ thể, thường xuyên, vừa chuẩn bị cho vấn đề lâu dài và vấn đề đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Về lâu dài, phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển năng lượng, chiến lược phát triển ngành dầu khí; đồng thời có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ.

Cùng với đó, phải nghiên cứu, tính toán, thúc đẩy đầu tư, nhưng là đầu tư cho phát triển để lợi nhuận có được tiếp tục tạo ra lợi nhuận lớn hơn; rà soát, lựa chọn các đối tác hợp tác phù hợp nhất; lựa chọn các ngành nghề thực sự hiệu quả, bổ sung cho nhau, tránh tình trạng xung đột giữa các ngành nghề sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào lĩnh vực không phải thế mạnh, tránh manh mún, dàn trải, khắc phục những hạn chế trong đầu tư ngoài ngành trước đây.

Với các dự án cụ thể, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, lộ trình xử lý, đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề liên quan nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc xử lý các vấn đề liên quan tới nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đang được triển khai tích cực, đạt kết quả; cần tiếp tục rút kinh nghiệm, phát huy cách làm tại dự án này để giải quyết các vấn đề tại các dự án khác.

Thủ tướng đề nghị PVN cùng tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch điện VIII trên tinh thần không vì lợi ích cục bộ của ngành, đơn vị mà tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

4/5 dự án kém hiệu quả của PVN đã ra khỏi 12 dự án thua lỗ

Năm 2021, PVN đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu đạt hơn 627.000 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 112.000 tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch năm. 4/5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của PVN đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn, thua lỗ của ngành công thương. Đặc biệt, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã đốt lửa lần đầu thành công tổ máy số 1 vào ngày 23/2 vừa qua.

Trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác dầu đạt gần 1,8 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch. Tuy nhiên, hoạt động của PVN đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về phạm vi hoạt động, về xu hướng chuyển dịch năng lượng, về cơ chế chính sách đặc thù. Đặc biệt, những biến động phức tạp địa chính trị, tranh chấp quốc tế, nhất là xung đột vũ trang ở Ukraine dẫn đến sự biến động giá và ảnh hưởng đến cung cầu dầu thô, xăng dầu, phân bón…

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-yeu-cau-tap-trung-giai-quyet-van-de-tai-nha-may-loc-hoa-dau-nghi-son-post1423647.tpo