Thú vị chuyện chữ nghĩa
Học giả An Chi vốn nổi tiếng nhờ có thời gian giải đáp kiến thức 'trên trời dưới đất' trong chuyên mục 'Chuyện Đông chuyện Tây' (Tạp chí Kiến thức ngày nay). Mới đây, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã chọn lọc 261 câu hỏi và giải đáp thuộc lĩnh vực nguyên từ để in cuốn 'Từ nguyên' tập 1.
Thuật ngữ “từ nguyên học” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “etumologia”, có nghĩa là “cách nói đúng” hoặc “nghĩa đúng của một từ”. Theo cách hiểu thông dụng, từ nguyên học là một phân ngành của ngôn ngữ học lịch sử, nghiên cứu về lịch sử của các từ, nguồn gốc của chúng; những hình thái, ngữ nghĩa gốc bị lu mờ trong ngôn ngữ đương thời... Chẳng hạn từ “lẩu” bắt nguồn từ đâu, do người Việt sáng tạo hay từ vay mượn tộc người khác? Yêu cầu truy chính xác nguồn gốc của từ, đòi hỏi nhà nghiên cứu từ nguyên phải sử dụng phương pháp khoa học lý tính, dựa trên các tiêu chí chặt chẽ.
Học giả An Chi không phải là người đi tiên phong trong nghiên cứu từ nguyên mà phải kể đến các học giả với nhiều công trình nổi tiếng như: Lê Ngọc Trụ với Việt ngữ chánh tả tự vị, Bửu Kế với Tầm nguyên từ điển, Lê Đình Khẩn với Từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt… Có thể nói, ngành từ nguyên học vốn không có nhiều người dấn thân, nếu có, thời gian các tác giả dành cho việc nghiên cứu thường không nhiều, hay bị gián đoạn, công trình rời rạc, thiếu tính hệ thống... Học giả An Chi là người hiếm hoi đã dành khoảng thời gian dài xuyên suốt với việc truy tìm nguồn gốc ban đầu của từ ngữ, mà ông gọi là “rong chơi miền chữ nghĩa”.
Sẽ rất thú vị với độc giả khi được một người uyên bác như học giả An Chi khám phá vì sao người Nam Bộ gọi dầu cao xoa bóp là “dầu cù là”? Hóa ra, ngày xưa, người cao tuổi ở Nam Bộ hay dùng loại dầu Mac Phsu sản xuất tại nước Cù Là (tức Miến Điện - Myanmar). Dần dà, dầu cù là để chỉ mọi loại dầu cao nói chung. Chữ “tá” (chỉ mười hai đơn vị hàng hóa cùng loại) hóa ra không phải có nguồn gốc từ tiếng Pháp “tas” (đống) mà là từ tiếng Anh “dozen”. Vấn đề rắc rối là người Việt không mượn thẳng từ tiếng Anh mà mượn từ tiếng Quảng Đông (Trung Quốc). Từ “dozen” được phiên âm là “đả thần”, sau rút gọn chỉ còn chữ “đả”. Người Quảng Đông đọc thành “tá” và đây mới là từ mà tiếng Việt sử dụng.
Từ hai ví dụ trên có thể thấy, học giả An Chi đã vận dụng đúng đắn, nghiêm cẩn những nguyên tắc quen thuộc về từ nguyên. Để kiểm chứng chặt chẽ những giả thuyết về xuất xứ của một từ, tác giả dựa trên những nguyên tắc ngôn ngữ học (ngữ âm, ngữ nghĩa…), ngôn ngữ học xã hội (bối cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội…) để khẳng định nguồn gốc một số từ tiếng Việt, đặc biệt là những từ Việt gốc Hán.
Sức hấp dẫn của cuốn sách còn nằm ở cách trả lời khúc chiết, dí dỏm, thông minh. Chẳng hạn, có bạn đọc hỏi “Văn Phong” với “Vân Phong” thì từ nào chỉ đúng tên vịnh ở Khánh Hòa? Học giả An Chi liền trả lời bằng một bài thơ vui: “Đây là chuyện nói sai tên/ “Ớ” lộn thành “á” mới nên nỗi này/ Chính “Vân Phong” (nghĩa: Đỉnh Mây)/ Mới là tên đã đặt bày từ xưa/ Vậy xin có một lời thưa/ Sửa “á” thành “ớ” cũng chưa muộn nào”.
Cuốn sách ra đời không phải để mời gọi nhiều người nghiên cứu về từ nguyên, mục đích hướng tới là mong muốn độc giả trân trọng ngôn ngữ, tiếng nói dân tộc hết sức phong phú, độc đáo và đang tiếp tục sinh sôi, phát triển.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/thu-vi-chuyen-chu-nghia-612523