Thừa kế và kẽ hở trong luật dân sự
Sau hơn 4 năm áp dụng vào thực tế cuộc sống, Bộ luật Dân sự hiện hành đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học nên có một số quy định trong bộ luật này đã không còn phù hợp với thực tế, nhất là vấn đề thừa kế.
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân và được pháp luật công nhận. Quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo di nguyện của bản thân và quyền được hưởng phần di sản đó theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản. Do đó, các vấn đề liên quan đến quyền thừa kế bao gồm các nội dung cơ bản như sau: Đối tượng của quyền thừa kế và chủ thể của quyền thừa kế. Và dưới góc độ của pháp luật thì thừa kế được định nghĩa như sau: Thừa kế là sự chuyển dịch về quyền sở hữu tài sản từ người đã qua đời chuyển sang cho người còn sống dưới hình thức là để lại di chúc hoặc theo pháp luật quy định khi người này mất đi.
Tại Điều 613 trong Bộ luật Dân sự có quy định về người thừa kế như sau: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Cũng theo quy định của Bộ luật Dân sự, có 3 đối tượng là chủ thể của quyền thừa kế, gồm: Người thừa kế theo di chúc; người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc; người thừa kế theo pháp luật. Còn đối tượng của quyền thừa kế là tài sản, bao gồm: Bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo đó, thừa kế theo di chúc là hình thức thừa kế mà việc phân chia tài sản thừa kế được thực hiện theo quyết định của người chết được thể hiện trong di chúc. Còn người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là những người vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó, gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Và thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng, trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;…
Điểm lại những quy định nêu trên của pháp luật hiện hành để thấy rõ khoảng trống trong pháp luật dân sự về quyền và lợi ích của người là đối tượng thuộc diện thừa kế, nhưng họ lại nằm ngoài quy định của pháp luật. Đó là trường hợp con của người để lại di chúc hoặc để lại tài sản, nhưng người con này lại ra đời sau khi người để lại tài sản đã qua đời và khi đó di chúc đã được mở, tức là thời hiệu của di chúc không còn. Trong trường hợp này, người viết di chúc và cũng là người để lại tài sản không biết mình sẽ có con sau khi qua đời. Do đó, người con ra đời sau khi di chúc của người để lại tài sản đã có hiệu lực sẽ bị thiệt thòi. Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Kim Dung ở Hà Nội. Cách đây 5 năm, chồng chị đã qua đời sau một tai nạn giao thông. Chị đã nhờ một bệnh viện lưu trữ tinh trùng của người chồng. 4 năm sau, chị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và đã sinh đôi 2 con trai. Trong trường hợp này, nếu chồng chị Dung có tài sản để lại thì người được hưởng thừa kế ở hàng thứ nhất là chị Dung, con và cha mẹ... Tuy nhiên, khi đó người con chưa ra đời nên không có tên trong hàng thừa kế.
Kẽ hở thứ hai trong Bộ luật Dân sự là quy định về tài sản. Tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, tinh trùng hay noãn không được xác định là tài sản mà chỉ thuộc quyền nhân thân. Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh xảy ra vụ việc liên quan đến sử dụng tinh trùng người qua đời đã gây sự quan tâm của xã hội về khía cạnh nhân đạo và pháp lý. Đó là việc một thanh niên và bạn gái đã lên kế hoạch kết hôn và sinh con, nhưng không may phát hiện bệnh hiểm nghèo. Trước khi trị bệnh, anh đã gửi tinh trùng của mình tại một bệnh viện với hy vọng khi bệnh tình đỡ hơn sẽ kết hôn và sinh con bằng phương pháp thụ tinh. Nhưng vì bệnh quá nặng, anh qua đời ở tuổi 22 khi mới chỉ tổ chức đám cưới mà chưa kịp đăng ký kết hôn và thụ tinh như dự định.
Sau đó, người mẹ của thanh niên này và vợ nhiều lần liên hệ với bệnh viện lưu trữ mẫu tinh trùng để xin được thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, bệnh viện yêu cầu phải có văn bản pháp lý công nhận mẫu tinh trùng mà bệnh viện đang lưu trữ là tài sản mà người vợ hay người mẹ được thừa kế từ con trai thì sẽ trả lại. Vì mỗi bên một lý nên cho đến bây giờ, sự việc này vẫn chưa được giải quyết. Lý do là pháp luật dân sự Việt Nam hiện chưa công nhận tinh trùng hay noãn là tài sản, đồng thời cũng chưa có quy định nào về người chết được quyền có con. Trong khi đó, nhiều bệnh viện vẫn đang thực hiện việc lưu trữ phôi thai, trứng, tinh trùng.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, đã đến lúc pháp luật dân sự cần có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và nhu cầu từ thực tiễn trong xã hội. Theo đó, việc sửa đổi hay bổ sung theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với “người con trong tương lai” của người để lại tài sản. Thứ hai là xác định rõ việc tinh trùng, noãn, trứng, phôi được gửi trong các cơ sở y tế là tài sản của người gửi và người thân của họ có quyền được thừa kế. Có như vậy mới phù hợp với sự phát triển của thời đại và đảm bảo được tính nhân đạo, nhân văn trong pháp luật.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/127034/thua-ke-va-ke-ho-trong-luat-dan-su