Thừa Thiên Huế 5 năm không phát hiện người nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế, điều trị Methadone mang lại tác động tích cực tới công tác phòng, chống HIV trên địa bàn, 5 năm trở lại đây không phát hiện người nhiễm HIV mới qua đường tiêm chích ma túy.

Những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế triển khai công tác phòng, chống ma túy, tập trung vào hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho người sử dụng ma túy.

Tại tháng hành động phòng, chống ma túy hằng năm, ngành y tế phối hợp với công an các địa phương đẩy mạnh truyền thông cho người nghiện chích ma túy, phổ biến kiến thức phòng chống HIV/AIDS như đường lây, cách phòng tránh lây nhiễm, hiệu quả điều trị bằng Methadone.

Ngoài ra, cán bộ y tế tiến hành tư vấn, xét nghiệm HIV, ma túy tại cộng đồng và tại cơ sở y tế cho các đối tượng nghiện, nghi nghiện.

Cán bộ y tế tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các đối tượng nghiện và nghi nghiện ma túy.

Cán bộ y tế tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các đối tượng nghiện và nghi nghiện ma túy.

Theo CDC Thừa Thiên Huế, tính đến khoảng giữa năm 2024, có 1.188 lượt bệnh nhân tham gia điều trị trị, trong đó có 721 bệnh nhân điều trị lần 1, 301 bệnh nhân điều trị lần 2, số còn lại điều trị nhiều lần. Có 24 bệnh nhân đều trị thành công, hết cảm giác thèm muốn sử dụng heroin, đạt tỷ lệ 3,32%.

Toàn tỉnh có 7/9 huyện, thị xã, thành phố có bệnh nhân điều trị Methadone (riêng huyện Nam Đông và A Lưới không có), trong đó chủ yếu TP Huế với 236 bệnh nhân chiếm 92,54% toàn tỉnh. Hoạt động điều trị Methadone góp phần rất nhiều trong công tác phòng chống ma túy.

BK.CKII Nguyễn Lê Tâm, Phó giám đốc phụ trách CDC Thừa Thiên Huế cho biết, để mở rộng, duy trì bền vững chương trình điều trị Methadone, các giải pháp tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích, quy trình, thủ tục của người bệnh khi tham gia.

Đặc biệt, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để thông tin về bệnh nhân không tuân thủ điều trị, bỏ trị... nhằm có biện pháp xử lý cũng như xác định tình trạng nghiện ma túy. Tại cơ sở điều trị, ngành y tế tổ chức tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân cho người bệnh kết hợp tư vấn cho gia đình trong phối hợp điều trị, chăm sóc người bệnh tại gia đình.

"Điều trị Methadone giúp người nghiện làm lại cuộc đời và tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội. Kiên trì phối hợp điều trị, nhiều bệnh nhân cảm nhận sức khỏe được cải thiện rõ rệt, không còn bị các cơn nghiện hành hạ.

Từ hiệu quả điều trị Methadone tác động tích cực tới công tác phòng, chống HIV trên địa bàn. Trong 5 năm trở lại đây không phát hiện người nhiễm HIV mới qua đường tiêm chích ma túy", lãnh đạo CDC Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác điều trị Methadone.

Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác điều trị Methadone.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều trị, đào tạo nhân lực tham gia chương trình phòng, chống HIV, triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người sử dụng ma túy.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ điều trị Methadone, chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy.

"Ngành y tế sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện đề án mở mới các cơ sở cấp phát thuốc Methadone trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo điều kiện cho những bệnh nhân ở địa bàn xa tuân thủ điều trị", lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế nói.

Bảo Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thua-thien-hue-5-nam-khong-phat-hien-nguoi-nhiem-hiv-qua-duong-tiem-chich-ma-tuy-16924072009110209.htm