Thừa Thiên - Huế chủ động đối phó thiếu nguồn nước do nắng nóng
Hiện các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đạt từ 44-86% dung tích thiết kế nhưng vẫn lo thiếu nước vụ hè thu.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra 3 đợt nắng nóng. Đợt này, nhiệt độ cao nhất ở vùng đồng bằng, trung du, ven biển và TP.Huế nằm trong khoảng từ 37-39 độ C; huyện Nam Đông lên đến 38-40 độ C.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, từ tháng 4-6.2023, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì trạng thái trung tính với xác suất 80-90%; sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương (NINO3.4) tiếp tục có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha El Nino.
Dự báo trên địa bàn tỉnh, tháng 5 và 6.2023, mỗi tháng xuất hiện 2-4 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Hiện các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đạt từ 44-86% dung tích thiết kế nhưng vẫn lo thiếu nước vụ hè thu.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đưa ra cảnh báo nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tiếp có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông có ảnh hưởng của chế độ thủy triều và thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
UBND tỉnh cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cung cấp nước tưới cho vụ hè thu để chủ động xác định ngay từ đầu việc tiếp tục trồng cây lúa hay có kế hoạch chuyển sang trồng cây rau màu khác để hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là các địa phương như Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới. Công ty Thủy lợi tỉnh được yêu cầu bố trí nhân lực, phương tiện ra quân nạo vét các kênh hói, kênh rạch bồi lấp; sửa chữa các tuyến kênh mương hư hỏng và có giải pháp chủ động nguồn nước tưới trong vụ hè thu sắp đến.
UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ hè thu. Chú trọng công tác thủy lợi nội đồng để khôi phục hoạt động của công trình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông, hồ chứa thủy điện cần có kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du trong các thời kỳ khô hạn.
Các địa phương được yêu cầu thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Về lâu dài, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa bão trong năm 2022; hoàn thành thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.