Thừa Thiên – Huế: Đề xuất bảo tồn công trình kiến trúc tiêu biểu hệ 5 lò vôi hơn 100 năm tuổi
Công trình hệ 5 lò vôi và tháp chuyển vật liệu của Nhà máy xi măng Long Thọ cũ (có từ thời Pháp thuộc) ra đời cách đấy hơn 100 năm. Một công trình kiến trúc tiêu biểu cho thời kỳ đầu ngành Công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên – Huế cần được cải tạo, bảo tồn, phát huy giá trị để giới thiệu đến người dân và du khách.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Long Thọ di dời nhà máy xi măng về phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy). Khu đất Nhà máy xi măng Long Thọ (phường Thủy Biều, thành phố Huế) được giao về cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp nhận, quản lý.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về phát huy giá trị công trình Nhà máy xi măng Long Thọ cũ và nghiên cứu báo cáo đề xuất của UBND thành phố Huế về việc thực hiện các nội dung đảm bảo việc phát huy giá trị công trình Nhà máy xi măng Long Thọ cũ. Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế cho biết: Đơn vị vừa có báo cáo các nội dung liên quan việc phát huy giá trị công trình Nhà máy xi măng Long Thọ (phường Thủy Biều, thành phố Huế). Cụ thể, tổng thể khu đất Nhà máy xi măng Long Thọ cũ (không kể khu vực mỏ đá) có diện tích 63.468m2, bao gồm khoảng 25 công trình và phần lớn đã tháo dỡ. Một số công trình còn lại như: Công trình hệ 5 lò vôi, khung bê tông, tường xây chịu lực còn khá tốt, mái ngói và kết cấu kèo, xà gồ-litô bằng gỗ đã mục nát, sụp đổ có khả năng gây nguy hiểm cao. Công trình tháp chuyển vật liệu, gắn với hệ 5 lò vôi, kết cấu sắt lắp ghép đã hoen gỉ, mái lợp tôn.
Căn cứ theo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, khu vực này định hướng chức năng sử dụng đất là đất du lịch; nội dung đề xuất của UBND thành phố Huế là phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt. Theo đánh giá của Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế: Công trình hệ 5 lò vôi gắn với tháp chuyển vật liệu là công trình kiến trúc tiêu biểu cho thời kỳ đầu ngành Công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên – Huế, nên đề xuất giữ lại.
Do đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Huế lập phương án chỉnh trang, cải tạo công trình hệ 5 lò vôi, công trình tháp chuyển vật liệu nhằm phát huy giá trị lịch sử và công trình kiến trúc tiêu biểu này. Lập phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu phường Thủy Biều làm cơ sở thực hiện các thủ tục lập dự án chỉnh trang, cải tạo nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất khu vực này.
Khu đất nhà ông chủ, có quy mô khoảng 280m2 (01 tầng), Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế cũng đề xuất UBND tỉnh cho phép UBND thành phố Huế lập phương án cải tạo, phát huy giá trị công trình (có thể cải tạo, hình thành không gian văn hóa của phường Thủy Biều; về lâu dài, có thể kết hợp với di tích điện Voi Ré - Hổ Quyền, thành điểm du lịch, văn hóa phục vụ du khách.
Theo lịch sử hình thành của Công ty Cổ phần Long Thọ: Năm 1896 hãng xây dựng tư nhân Bogaert (Pháp) đã xây dựng Xí nghiệp vôi nước Long Thọ tại chân đồi Long Thọ, thuộc bờ Nam sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ, cách trung tâm Thành phố Huế chừng 7km về phía Tây, giữa làng Nguyệt Biều và làng Dương Xuân (nay là Thủy Biều và phường Đúc).
Tháng 8/1915, Xí nghiệp vôi nước Long Thọ sáp nhập vào Công ty vôi nước Long Thọ do Rigaux làm đại diện. Xí nghiệp vôi nước Long Thọ sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu khai thác nguyên liệu đầu tiên đến khâu bán sản phẩm cuối cùng. Đến năm 1972 nhà máy ngừng hoạt động, trở thành hoang phế. Đến năm 1976, hoạt động của Nhà máy xi măng Long Thọ được khôi phục. Tại đây, Nhà nước từng đầu tư xây dựng dây chuyền công nghệ xi măng lò đứng với công suất thiết kế 20.000 tấn/năm.
Quá trình hoạt động, Nhà máy xi măng Long Thọ trở thành “điểm đen” về môi trường, bị liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng bắt buộc phải di dời theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do doanh nghiệp gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng khi chuyển về địa điểm mới. Cho đến tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Long Thọ mới hoàn thành công tác di dời nhà máy đến tọa lạc tại Cụm công nghiệp Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy).