Thừa Thiên Huế đón bằng công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO
Những tác phẩm đúc đồng ở Cửu đỉnh đã lưu giữ các giá trị giao thoa và tương tác giữa các nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á.
Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”.
Trước đó vào tháng 5, tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay: Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho biết, Di sản tư liệu của thế giới chính là di sản của tất cả chúng ta. Các di sản đó cần được gìn giữ, bảo tồn một cách toàn vẹn và được tiếp cận một cách vĩnh viễn, được công nhận một cách đúng đắn về các hoạt động thực hành văn hóa và tính thiết thực của văn hóa đó, được dành cho tất cả công chúng và không có sự cản trở.
Các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh đã lưu giữ các giá trị giao thoa và tương tác giữa các nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á.
“UNESCO đánh giá cao mối quan hệ đối tác lâu dài với Thừa Thiên Huế - nơi mà công tác bảo tồn Di tích Huế đã được thực hiện với tâm huyết to lớn và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. 30 năm trước, UNESCO và cộng đồng thế giới đã nhận thấy sự cấp thiết trong việc hợp tác với Việt Nam để gìn giữ, bảo vệ các di sản quý giá này”, ông Jonathan Wallace Baker, chia sẻ.
Trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa - chính trị của xứ đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 -1945).
Với tư cách là Kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hóa rất riêng của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.
Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, năm 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, năm 2003).
Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất cố đô.